MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sẽ nâng mức xử phạt hành vi giao dịch không báo cáo. Ảnh minh họa. Ảnh: L. Tuấn

Thao túng giá cổ phiếu: Phạt thế nào mới đủ sức răn đe?

Gia Miêu LDO | 07/08/2020 15:51

Nếu như hành vi thao túng giá cổ phiếu diễn ra khá âm thầm, thì hành vi lạm dụng thông tin nội bộ để giao dịch cổ phiếu vẫn diễn ra khá phổ cập trên thị trường. 

Cứ mỗi tháng, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành nhiều quyết định xử phạt các lãnh đạo doanh nghiệp, người có liên quan đến các chức danh quản lý tại doanh nghiệp, đã vi phạm các quy định về báo cáo thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu. Trong đó, chủ yếu là hoạt động giao dịch chứng khoán nhưng "phớt lờ báo cáo" của các cổ đông lớn các công ty niêm yết. 

Chỉ mới vài ngày đầu tháng 8 mà UBCKNN đã liên tiếp ban hành các quyết định xử phạt đối với ba cổ đông lớn của ba công ty về hành vi giao dịch cổ phiếu tăng tỷ lệ sở hữu nhưng không báo cáo. 

Đơn cử như Thanh tra UBCKNN vừa công bố quyết định xử phạt đối với bà Vương Ngọc Tuyết số tiền hơn 31 triệu đồng về việc mua 5.280 cổ phiếu CTCP Hóa An (HOSE: DHA), làm tăng số lượng cổ phiếu sở hữu từ 732.400 cổ phiếu DHA lên 737.680 cổ phiếu DHA và trở thành cổ đông lớn của DHA vào ngày 13.12.2019. Tiếp đó vào ngày 10.02.2020, bà Tuyết bán 50.000 cổ phiếu DHA, làm giảm số lượng tỷ lệ sở hữu xuống còn 724.250 và không còn là cổ đông lớn của DHA. Tuy nhiên, đến ngày 23.04.2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh mới nhận được báo cáo của bà Tuyết. 

Tương tự với vi phạm đó, UBCKNN cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Bích Thủy vì đã có hành vi vi phạm Báo cáo không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu AGG đang lưu hành của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia. Tiếp sau đó, bà Thủy bán hơn 200 nghìn cổ phiếu AGG làm giảm tỷ lệ sở hữu xuống và không còn là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia. Tuy nhiên, đến ngày 17.4.2020, Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh mới nhận được báo cáo về các giao dịch này.

Theo quan điểm của các nhà đầu tư thì việc xử phạt là giải pháp hiện nay nhưng liệu phạt bao nhiêu thì đủ sức răn đe khi mà khoản lợi ích cá nhân thu được lớn hơn rất nhiều số tiền phạt phải bỏ ra. Ðể khắc phục tình trạng trên, mới đây theo dự thảo mà UBCKNN đang lấy ý kiến thì với các vi phạm về giao dịch của cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan, dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng quy định các khung phạt có mức phạt tiền tăng dần theo giá trị giao dịch vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia của CTCK VCSC, các cổ đông nhỏ bức xúc vì những người vi phạm là những người lợi dụng ưu thế nắm bắt thông tin sớm về "bí mật" liên quan hoạt động của doanh nghiệp để tiến hành các giao dịch lướt sóng cổ phiếu mang lại lợi ích cho mình. Giải pháp xử phạt là tình thế nhưng về lâu dài với thị trường cần hướng đến điều quan trọng là làm thế nào để tạo nên văn hóa minh bạch của doanh nghiệp.

Theo quy định mới tại Luật Chứng khoán 2019, cơ quan quản lý được trao quyền trong tiếp cận các thông tin về trao đổi qua điện thoại, sự biến động của dòng tiền...Điều này hy vọng sắp tới sẽ tạo thuận lợi cho UBCKNN trong công tác điều tra, xử lý và sớm tạo minh bạch cho thị trường, ông Phương nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn