MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng đang "gánh" khoản nợ 1.057 tỉ đồng. Ảnh: ĐT

Thất bại trong cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Thua lỗ triền miên, doanh nghiệp “ngập” trong khiếu kiện

Đặng Tiến - Văn Nguyễn LDO | 18/12/2021 20:40

Không chỉ đối mặt với tình trạng thua lỗ triền miên và nợ lương người lao động suốt nhiều năm, không ít doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, liên tục đối diện với các vướng mắc pháp lý, khiếu kiện dẫn đến gần như “đóng băng” trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.  

Trượt dài trong thua lỗ

Nối tiếp con số thua lỗ 2.300 tỉ đồng lũy kế đến cuối năm 2020, con số thua lỗ tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam - CTCP (Vinafood II) lại tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021. Báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy khi khép lại 9 tháng đầu năm, Vinafood II ghi nhận doanh thu thuần giảm so với cùng kỳ, xuống còn 12.461 tỉ đồng và lỗ ròng gần 248 tỉ đồng. Qua đó, tổng lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 9.2021 lên tới gần 2.703 tỉ đồng. Theo giải trình của Vinafood II, nguyên nhân là do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 dẫn đến tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, chi phí phát sinh lớn nên lợi nhuận giảm mạnh.

Song bên cạnh kết quả kinh doanh đáng buồn, Vinafood II cũng vướng nhiều ồn ào trong việc quản lý, sử dụng sai quy định và gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Mới đây nhất, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào tháng 5.2021 quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Võ Thanh Hà - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinafood II do liên quan đến các sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.Hồ Chí Minh.

Trước đó vào cuối năm 2020, Thanh tra Chính phủ cũng có có Báo cáo kết luận số 2099 chỉ ra hàng loạt sai phạm xảy ra tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (Quận 1), trong đó có liên quan đến hoạt động cấp vốn tín dụng của nhiều ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Đặc biệt việc Vinafood II liên kết với doanh nghiệp ngoài quốc doanh biến khu đất trên từ đất công thành đất tư nhân, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận.

Nhiều đánh giá chỉ ra rằng, sự trì trệ, kém năng động trong điều hành sản xuất kinh doanh là yếu tố khiến tổng công ty này rơi vào cảnh tụt hậu so với các doanh nghiệp cùng ngành. Từ giai đoạn trước khi tiến hành cổ phần hóa vào năm 2018, thị trường chính của Vinafood II là các hợp đồng tập trung, hợp đồng Chính phủ. Song khi chuyển đổi mô hình và chuyển sang thị trường thương mại, việc không thích ứng kịp với thị trường khiến Vinafood II hầu như không thể tìm kiếm được khách hàng mới và trượt dài trong tình trạng thua lỗ.

Gần như “đóng băng” hoạt động

Trong khi đó tại Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng (Tổng Công ty Sông Hồng), hiện hoạt động của doanh nghiệp này gần như đóng băng, chỉ quyết toán các công trình cũ, đối chiếu thu hồi công nợ và xử lý đơn thư tranh chấp… Vì với khoản nợ 1.057 tỉ đồng hiện nay, không một ngân hàng nào dám mạo hiểm cho vay thêm và cũng không thể triển khai đấu thầu các dự án mới được. Theo đại diện Tổng Công ty Sông Hồng, trước đó đơn vị đã làm thủ tục thoái vốn, đã đấu giá và nhà đầu tư đã đặt cọc nhưng khi chuẩn bị xong lại vướng Nghị định 140/2020 nên buộc phải dừng lại.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Tổng Công ty Sông Hồng cho hay, những vướng mắc trong thoái vốn hiện tại doanh nghiệp bắt nguồn từ những vướng mắc liên quan đến khoản nợ và việc quyết toán tại một số dự án thi công, trong đó có việc triển khai công trình Nhà thi đấu Đà Nẵng. Để triển khai dự án này, tổng công ty ký hợp đồng xây lắp gần 310 tỉ đồng với Công ty CP Xây dựng đầu tư Sông Hồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh toán, công trình Nhà thi đấu Đà Nẵng đang thua lỗ khoảng 32 tỉ đồng và chưa có dòng tiền để trả nợ cho các nhà thầu phụ khoảng 89 tỉ đồng. Trong khí đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Sông Hồng gặp nhiều khó khăn, thua lỗ nên không có khả năng cân đối nguồn tài chính để trả nợ cho Công ty CP Xây dựng đầu tư Sông Hồng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Hồng cho biết, để giải quyết các vướng mắc nêu trên, nhiều lần đơn vị đã làm việc với các cơ quan chức năng như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… Theo đó, giải pháp duy nhất hiện nay là buộc phải thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp với hy vọng là thu hút được các nguồn vốn khác từ bên ngoài để vực dậy doanh nghiệp. Hiện đơn vị đã trình phương án thoái vốn nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết.. Tuy nhiên, trong khi chờ Bộ Xây dựng phê duyệt phương án thoái vốn, nhiều cổ đông đã yêu cầu Tổng Công ty Sông Hồng cần thực hiện đại hội cổ đông bất thường để miễn nhiệm thành viên HĐQT đương nhiệm do hết nhiệm kỳ. Mới đây nhất, Chi cục Thi hành án dân sự quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng ra quyết định tiếp tục thi hành án và buộc phải trả cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) số tiền hơn 233 tỉ đồng. Và để đảm bảo thi hành ành, Chi cục Thi hành án dân sự quận Tây Hồ đã có công văn yêu cầu ngân hàng Agribank - Chi nhánh Cầu Giấy phong tỏa 2 hợp đồng tiền gửi của TCty Sông Hồng số tiền hơn 7,1 tỉ đồng.

Ông Trần Anh Tài cho hay, để duy trì bộ máy, hiện doanh nghiệp đang sống nhờ vào việc cho thuê mặt bằng. Trong khi đó việc thua lỗ của TCty Sông Hồng đã được Bộ Tài chính cảnh báo từ nhiều năm nay và đơn vị cũng đã có nhiều báo cáo với Bộ Xây dựng nhưng đến nay các phương án “giải cứu” vẫn chưa được thông qua.

Đại hội cổ đông bất thường Vinafood II tổ chức mới đây đã thông qua nội dung miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với ông Võ Thanh Hà, ông Bạch Ngọc Văn và ông Đỗ Ngọc Khanh; Đại hội cũng đã thông qua việc bầu bổ sung Thành viên HĐQT và danh sách ứng cử viên Thành viên HĐQT. Sau đó HĐQT đã thống nhất 100% bầu ông Nguyễn Huy Hưng - Thành viên HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinafood II nhiệm kỳ 2018 - 2023; đồng thời cử ông Nguyễn Huy Hưng là Người đại diện theo pháp luật của Vinafood II.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn