MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trao Giấy chứng nhận cho DN có thành tích xuất sắc trong ứng dụng và phát triển KHCN. Ảnh: PV

Thay đổi chính sách để gỡ vướng cho doanh nghiệp KHCN

Minh Hạnh LDO | 21/12/2017 16:30
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KHCN) như: Vốn vay lãi suất thấp, miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập DN và một số ưu tiên khác phục vụ việc nghiên cứu. Đồng thời, Bộ KHCN cũng đang hoàn thiện Nghị định DN KHCN nhằm khắc phục vướng mắc về KHCN trong phát triển doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng, chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra cho ngành KHCN nhiều nhiệm vụ tập trung cần giải quyết để đạt được mục tiêu Việt Nam có vị trí cao trong khu vực về ứng dụng KHCN, trong đó đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, tự động hóa… Đây cũng chính là những công nghệ, định hướng mà Bộ KHN ưu tiên phát triển.

Theo thống kê, hiện cả nước có trên 300 DN KHCN, trong đó có nhiều DN có hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, y tế, nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, là lĩnh vực được Bộ KHCN ưu tiên triển khai trong thời gian tới. Tổng doanh thu của các DN này trong năm 2016 đạt hơn 14.400 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 1.300 tỉ đồng.

Nhiều DN KHCN đã có doanh thu lớn, sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu như: Cty CP Robot Tosy được đăng ký bảo hộ tại 21 nước trên thế giới; hay Cty CP Dược phẩm Hanvet xuất khẩu sản phẩm cho gần 20 nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, các DN KHCN cũng quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ, công nghệ cao thông qua việc tái đầu tư, dành những nguồn lực xứng đáng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của DN. Tuy nhiên, số lượng DN KHCN những năm qua vẫn còn ít so với tiềm năng và mục tiêu đề ra bởi cách tổ chức thực hiện chính sách có nhiều hạn chế. Một số nơi, việc cấp phép đầu tư và công nhận họ là DN KHCN còn thiếu thống nhất giữa các sở, ngành liên quan.

"Sắp tới, các thủ tục hành chính cho DN KHCN, các thủ tục chứng nhận loại hình DN này sẽ đơn giản hóa. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, các sản phẩm mà DN đó làm chủ, những phương án khả thi đưa vào sản xuất trong tương lai... để công nhận họ là DN KHCN, giúp họ được hưởng ưu đãi", ông Tùng nhấn mạnh. Đồng thời cam kết trong thời gian tới, sẽ phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các sở KHCN đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn các chính sách của Nhà nước về vấn đề này, trong đó ưu tiên cho mạng xã hội bởi đây là kênh thông tin lan tỏa mạnh mẽ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn