MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân thu hái cà phê ở huyện Ia Grai, Gia Lai. Ảnh T.T

Thay đổi tư duy nhà nông để cà phê Việt cập cảng Châu Âu

THANH TUẤN LDO | 17/12/2021 10:48

Gia Lai – Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) được ký kết, nhiều doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê tại Gia Lai đạt được lợi nhuận hàng trăm triệu đô. Nhiều doanh nghiệp khác muốn bước vào “sân chơi” với thị trường khó tính này buộc phải thay đổi mình theo hướng sản xuất nông sản sạch, tiêu chuẩn cao. Đồng thời, dự phòng các trường hợp tranh chấp thương mại, vi phạm nguyên tắc tiêu chuẩn của Hiệp định.

Thị trường lợi nhuận lớn đòi hỏi chất lượng cao

Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, trong năm 2021, hơn một năm Hiệp định EVFTA được ký kết, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 610 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 5,17% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu chủ lực là cà phê, mủ caosu tăng cả về lượng và giá trị dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19.

Gia Lai hiện có 3 doanh nghiệp chủ lực tham gia xuất khẩu mặt hàng cà phê gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam.  

Trong đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hàng năm xuất khẩu từ 50-70 ngàn tấn cà phê các loại với khoảng 90% sản phẩm cà phê nhân xô, 10% cà phê rang xay và hòa tan, giá trị kim ngạch đạt khoảng 150 triệu USD.

Cần nâng tầm giá trị của hạt cà phê Tây Nguyên trên thị trường thế giới. Ảnh T.T

Đây là những công ty xuất khẩu lâu năm, có uy tín và tuân thủ được các quy định khắt khe của thị trường Châu Âu. Ông Thái Như Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: “Hiện sản phẩm của chúng tôi đã đạt toàn bộ các chứng chỉ Quốc tế cho 25.000ha cà phê của Công ty. Từ các chứng chỉ của Mỹ, Nhật, Châu Âu, Hàn Quốc, kể cả chứng chỉ của các tổ chức bền vững, trong đó có Hà Lan về FOSI, DELFORES”.

Thay đổi tư duy nhà nông, khó vẫn phải làm

Để vào được thị trường Châu Âu, hầu hết các doanh nghiệp cà phê ở Gia Lai đều phải thay đổi cách làm truyền thống lạc hậu kém hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai cho biết: “Với Hiệp định EVFTA, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, thuế suất về bằng không nên đưa lại giá trị cao cho sản phẩm của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều khắt khe là cà phê qua kiểm định phải đạt chất lượng, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vườn cà phê thu hái của người dân phải được cơ quan có thẩm quyền vào kiểm định cấp chứng chỉ chất lượng và người nông dân cũng như doanh nghiệp phải duy trì được chất lượng đó. Tới đây, Bộ NNPTNT sẽ họp tại Gia Lai với các doanh nghiệp xuất khẩu để bàn về hướng nâng cao chất lượng cà phê Tây Nguyên”.  

Bà Nguyễn Thị Phương Mai - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong tỉnh đã thực hiện liên kết, phát triển hàng chục nghìn ha cà phê theo các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 22000, VietGAP, GlobalGAP, Organic, 4C, UTZ…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, từ bỏ thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi cây trồng bị thiên tai, sâu bệnh hại. Việc này rất khó, cần phải động viên, giám sát và hướng dẫn người nông dân làm cà phê sạch, để cho họ nhận thấy lợi ích của hạt cà phê chất lượng cao thì sẽ lợi nhuận tốt, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.  

Hiện Gia Lai với hơn 90.000ha cà phê thu hoạch là một trong những tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Điều kiện, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển loại cà phê Robusta. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng muốn tìm kiếm đối tác ở thị trường Châu Âu.  

Anh Nguyễn Hải Phong - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tropico Tây Nguyên cho biết: “Lâu nay, công ty xuất khẩu hàng cà phê chủ yếu đi Nga và Trung Đông. Với Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp đang tìm cách đàm phán với khách hàng, đối tác ở Đức, Anh để ký kết hợp đồng. Nhưng khó khăn ở chỗ, phía họ muốn ký hợp đồng cung cấp cà phê dài hạn, với số lượng lớn hàng trăm, hàng nghìn tấn, chất lượng ổn định. Trong khi doanh nghiệp nguồn lực có hạn, nếu thu mua nông sản số lượng lớn thì phải có nguồn tài chính lớn, chuẩn bị sẵn sàng kho bãi để tích trữ, bảo quản hàng hóa. Ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân”.

Tuy duy sản xuất cà phê của người nông dân hiện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phương cách bảo quản, sơ chế cà phê còn lạc hậu, thủ công. Đi dọc các huyện như Ia Grai, Chư Prông, Chư Pưh…, dễ dàng thấy người dân còn phơi khô cà phê dưới nền đất, nhiều hộ kinh doanh còn ngâm tẩm hương vị để bán cà phê.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, ước tính cả năm 2021, tỉnh thu ngân sách nhà nước 7.170,9 tỉ đồng, đạt 157,5% dự toán Trung ương giao, tăng 56,5% so cùng kỳ. Nguồn thu chủ yếu phát sinh tiền sử dụng đất dự án sân golf FLC, dự án bất động sản của Công ty May Diêm tại huyện Đak Đoa. Ngoài ra, nguyên nhân chính làm tăng thu ngân sách nhà nước là từ hoạt động xuất nhập khẩu, chủ yếu là xuất khẩu cà phê, caosu theo Hiệp định EVFTA và nhập các thiết bị điện gió, điện mặt trời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn