MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thấy gì ở nguồn vốn chảy vào ngân hàng tăng thấp?

Cẩm Hà LDO | 03/12/2022 16:33
Bất chấp việc lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng tăng mạnh, nguồn vốn chảy vào các nhà băng vẫn tăng trưởng rất thấp cho thấy rất nhiều vấn đề của thị trường.
Cuộc đua tăng lãi suất chưa có dấu hiệu dừng lại. Đồ họa: Khương Duy
Các dữ liệu trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ tháng 11.2022 vừa được chứng khoán VDSC công bố cho thấy cuộc đua răng lãi suất huy động tại các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những điều chỉnh tăng lãi suất càng dễ nhận thấy ở các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mà đặc biệt là những ngân hàng có tham gia tích cực vào hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Đáng chú ý, ngân hàng Techcombank tăng lãi suất thêm 0,5-1,5% ở tất cả các kỳ hạn gửi tiền trong tháng 10 và tháng 11, trong đó mức tăng mạnh nhất xuất hiện ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Mức lãi suất huy động trên 10%/năm cũng xuất hiện ở nhiều ngân hàng, đặc biệt ở không ít ngân hàng quy mô vừa và nhỏ như NCB hay SaigonBank.

Các chuyên gia phân tích của VDSC nhìn nhận, nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm kết hợp với áp lực từ việc rút vốn khỏi kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến cho vòng xoáy tăng lãi suất huy động tiếp diễn, kéo theo lãi suất cho vay tăng vượt qua mức trước đại dịch dù nền kinh tế chỉ mới vừa phục hồi sau COVID-19.

Trên thị trường hiện nay, mức lãi suất cho vay thả nổi đối với khoản vay tiêu dùng (mua nhà, mua xe) lên đến 15-16%/năm, lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp phổ biến cũng đang là 11-12%, đặt trong bối cảnh nguồn cung tín dụng hạn hẹp.

Điều bất ngờ là bất chấp mặt bằng lãi suất huy động tăng rất nhanh trong suốt nhiều tháng gần đây, nguồn vốn huy động trong nền kinh tế vẫn tăng rất chậm. Tính đến cuối tháng 10.2022, huy động vốn ước chỉ tăng 4,8% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 4,3% cuối tháng 9.2022. Như vậy nếu xét về số tuyệt đối, huy động vốn tháng 10 chỉ tăng thêm 50.383 tỉ đồng so với mức tăng 95.210 tỉ đồng của tháng trước.

Thực tế các số liệu mới công bố của NHNN cũng cho thấy, đến cuối tháng 9.2022, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,8 triệu tỉ đồng, đạt mức tăng 3,21% so với cuối năm 2021. Gây nhiều chú ý là tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế và lượng tiền gửi dân cư đều thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ nhiều năm.

Trong đó tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức hơn 5,78 triệu tỉ đồng, chỉ tăng trưởng 2,43% so với cuối năm 2021 và là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố, chưa được 1/3 mức tăng trưởng trung bình 7,98% vào cuối tháng 9 trong giai đoạn thống kê từ năm 2012 đến nay.

Đến cuối tháng 9.2022, quy mô tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng cũng chỉ ở mức gần 5,64 triệu tỉ đồng, tăng 6,38% so với cuối năm 2021, chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng trung bình 12,1% trong 9 tháng đầu năm hằng năm trong giai đoạn thống kê từ năm 2012 tới nay.

Với các diễn biến trên, giới chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến huy động vốn tăng chậm bao gồm yếu tố sức khoẻ doanh nghiệp suy giảm, sự chững lại của kênh bất động sản và tiết kiệm của người dân bị ảnh hưởng bởi giá cả tiêu dùng gia tăng. Cuộc đua tăng lãi suất tại các ngân hàng vì vậy sẽ còn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.    

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn