MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm qua, các ngân hàng đã tích cực bán nợ, xử lý, thu hồi nợ xấu khi nợ xấu có xu hướng tăng lên. Ảnh: Gia Miêu

Thêm cơ chế cho xử lý nợ xấu của ngân hàng

KIM NGÂN LDO | 13/01/2023 14:04

Những dữ liệu mới về nợ xấu dần lộ diện khi các ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh doanh năm 2022.

Tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng đột biến

Giữa năm 2021, Vietcombank công bố tỉ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt 350%, lớn nhất hệ thống. Thời điểm đó, Vietcombank cũng là đơn vị đầu tiên hoàn thành trích lập nợ tái cơ cấu mà không cần tới 3 năm như Thông tư 03 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đến nay, ngân hàng này một lần nữa lập kỷ lục mới khi tỉ lệ nợ xấu chỉ 0,67%, dư quỹ dự phòng rủi ro 35.603 tỉ đồng và tỉ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu nội bảng là 465% - cao nhất hệ thống ngân hàng khi năm 2022 kết thúc.

Một ông lớn khác là VietinBank cũng cho biết, năm 2022 tỉ lệ nợ xấu quanh 1,2%, thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021; đáng chú ý tỉ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cũng đạt gần 190% (tăng 10% so với năm 2021). BIDV cũng cho hay, đến cuối năm 2022, tỉ lệ nợ xấu đạt 0,9%, tăng nhẹ so với mức 0,83% đầu năm, tỉ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu dù giảm nhẹ so với 2021 nhưng vẫn cao hơn so với VietinBank khi đạt 245%.

Tỉ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu. Vì vậy ngân hàng nào có tỉ lệ bao phủ nợ xấu càng cao thì rủi ro càng thấp và số dự phòng này có thể được hoàn nhập khi ngân hàng thu hồi được nợ xấu.

Tuy nhiên, việc tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng. Theo Thông tư 03 của NHNN, các ngân hàng được chọn phương án trích lập dự phòng rủi ro với mức tối thiểu 30% trong năm 2021; 70% còn lại có thể trích lập tiếp vào các năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã trích lập phần lớn hoặc toàn bộ dự phòng rủi ro cho các khoản vay đã quá hạn. Đơn cử như trường hợp của Vietcombank đến hết quý II/2021 và sau đó là một số ngân hàng lớn khác đã hoàn thành trích lập nợ tái cơ cấu.

Làm rõ hơn quyền và trách nhiệm của bên cho vay và bên đi vay

Ở thời điểm 30.9.2022, báo cáo tài chính quý III/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, áp lực nợ xấu tăng bởi tổng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng này đã tăng 28,4% so với đầu năm lên gần 129,8 nghìn tỉ đồng. Thống kê của Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng cho thấy, chất lượng tín dụng trong quý III/2022 của các ngân hàng cũng kém khả quan hơn khi tỉ lệ nợ xấu tăng lên 1,47%. Các chuyên gia SSI cảnh báo các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn.

Đến cuối năm, số liệu của NHNN cho thấy, nợ xấu nội bảng của hệ thống là 1,92%. Dù cơ bản kiểm soát được nợ xấu, nhưng NHNN vẫn lưu ý về nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023. Trong khi đó, không phải ngân hàng nào cũng có tỉ lệ dự phòng rủi ro nợ xấu cao khi có 10/27 ngân hàng có tỉ lệ dự phòng bao phủ rủi ro dưới 60%.

Trong năm qua, các ngân hàng rất tích cực bán nợ, xử lý, thu hồi nợ xấu khi nợ xấu tăng sau tác động thời gian dài vì dịch bệnh và khó khăn của doanh nghiệp chưa dứt. Về phía cơ quan quản lý, để tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng, NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015 quy định về hoạt động mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng. Do đó, từ ngày 9.2.2023 tới, trên nguyên tắc thực hiện mua bán nợ, các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất có thể được xem xét chấp thuận hoạt động mua nợ.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết số 42/2017 đến ngày 31.12.2023; đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại kỳ họp tháng 5.2023.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, các ngân hàng mong muốn các bộ, ngành đánh giá lại các luật liên quan và những vấn đề chưa được đưa vào Nghị quyết số 42/2017 để làm rõ hơn quyền và trách nhiệm của bên cho vay và bên đi vay, hoặc ban hành một luật riêng về xử lý nợ xấu, mang tính đặc thù, xuyên suốt thì mới có đủ hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn