MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán trái phiếu. Ảnh: Đức Mạnh

Thêm doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán trái phiếu

TRÍ MINH LDO | 05/11/2023 16:40

Ngày 5.11, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, một số doanh nghiệp bất động sản tiếp tục có văn bản công bố thông tin bất thường chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Diên Vĩ (trụ sở phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và người sở hữu trái phiếu công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu DVRCH2124001, DVRCH2125002, DVRCH2126003.

Nguyên nhân được doanh nghiệp nêu ra là do “chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán”.

Một trường hợp khác, Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản S-Homes cũng mới có công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu của mã trái phiếu SSHCH2123002. Mã trái phiếu này có kỳ hạn 4 năm, giá trị phát hành 1.000 tỉ đồng.

Lý do doanh nghiệp chậm thanh toán là bởi đang trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư để gia hạn phần gốc còn lại và phương án gia hạn ngày thanh toán lãi.

Trước đó, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày công bố thông tin 27.10, đã có 17 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 10 với tổng giá trị 18.326 tỉ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,7%/năm, kỳ hạn trung bình 4 năm.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 205.867 tỉ đồng, với 25 đợt phát hành ra công chúng và 169 đợt phát hành riêng lẻ.

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, các doanh nghiệp đã mua lại 12.336 tỉ đồng trái phiếu trong tháng 10.

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 192.158 tỉ đồng (tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại.

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 68.719 tỉ đồng. 31% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 21.280 tỉ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 19.254 tỉ đồng (chiếm 28%).

Trong năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn được cơ quan chức năng nhận định là tương đối lớn. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn, giữ uy tín với thị trường. Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, căn cứ Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ có thể thực hiện theo các phương án: (i) Đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; (ii) Đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn