MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn về một số vấn đề trong Nghị định 126 về quản lý thuế. Ảnh Cao Nguyên (minh họa).

Thêm kiến nghị sửa đổi Nghị định 126 về quản lý thuế

Cẩm Hà – Anh Huy LDO | 26/11/2020 15:02

Tiếp tục có thêm nhiều ý kiến băn khoăn về các quy định tại Nghị định 126 về quản lý thuế, đặc biệt về nội dung địa điểm nộp hồ sơ khai thuế.

Có hiệu lực từ ngày 5.12.2020, Nghị định 126/2020 quy định về các nội dung khai thuế, tính thuế; ấn định thuế; thời hạn nộp thuế, trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; hoàn thuế, khoanh tiền thuế nợ, xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; trách nhiệm cung cấp thông tin, công khai thông tin người nộp thuế và trách nhiệm của ngân hàng thương mại; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế.

Rất nhiều điểm mới trong Nghị định được đánh giá là điểm sáng và tạo bước đột phá nhưng bên cạnh đó còn có những điểm “nghẽn” mà các chuyên gia, doanh nghiệp thậm chí giới luật sư tỏ ra e ngại.

Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Hòa, quy định hướng dẫn tại Nghị định 126 đang không đúng với nguyên tắc đưa ra tại Luật thuế Ti đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Hòa nói, luật cho phép người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính đối với toàn bộ các đơn vị phụ thuộc, không phân biệt có được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hay không.

Tuy nhiên, Nghị định 126 yêu cầu doanh nghiệp kê khai và nộp thuế riêng đối với các đơn vị phụ thuộc được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, hướng dẫn thi hành tại Nghị định 126 lại không đúng với nguyên tắc đưa ra tại văn bản cấp trên và các nguyên tắc thuế được áp dụng từ trước đến nay.

Ngoài ra, quy định tại Nghị định 126 tận thu và không khuyến khích doanh nghiệp phát triển mở rộng. Với cùng một hoạt động sản xuất kinh doanh (ví dụ trường học, bệnh viện), doanh nghiệp phải triển khai các cơ sở tại nhiều địa bàn trên cả nước để tăng khả năng tiếp cận khách hàng và hỗ trợ phát triển hệ thống dài hạn. Tùy vào giai đoạn phát triển của từng cơ sở và đặc điểm kinh tế của từng địa bàn mà các đơn vị trực thuộc có kết quả kinh doanh khác nhau.

Theo Nghị định 126 thì các đơn vị trực thuộc ở địa bàn khác trụ sở chính mà được hưởng ưu đãi thuế thì phải kê khai nộp thuế riêng, như vậy nếu lãi thì sẽ phải nộp thuế dù kết quả tổng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lỗ. Như vậy là không hợp lý và không khuyến khích doanh nghiệp phát triển mở rộng.

Phân tích thêm về vấn đề này, một số chuyên gia tài chính và đại diện doanh nghiệp cho rằng, quy định không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để hỗ trợ sự phát triển chung của xã hội.

Về nguyên tắc, quy định thuế khuyến khích việc đầu tư tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn để phát triển xã hội bằng cách đưa ra ưu đãi thuế đối với các hoạt động kinh doanh tại các địa bàn này. Tuy nhiên, theo nội dung tại Nghị quyết 126 thì việc đầu tư tại các địa bàn này lại mang lại bất lợi về thuế cho các doanh nghiệp.

“Theo tôi nên sửa đổi để phù hợp với nguyên tắc đưa ra tại Khoản 3, Điều 42, Luật quản lý thuế số 38, như sau: Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước”, vị chuyên gia này nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn