MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp sắp được hoàn gần 5.000 tỉ thuế giao dịch liên kết. Ảnh Hải Nguyễn

Thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19

Cao Nguyên LDO | 20/04/2020 08:26

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính phải hồi tố khoản tiền thuế mà các doanh nghiệp đã nộp từ năm 2017-2018 theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về áp trần tỉ lệ lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết. Về vấn đề này, các chuyên gia tài chính cho rằng, việc hồi tố rất cần thiết cho doanh nghiệp trong giai đoạn đặc biệt khó khăn do dịch COVID-19. Và khoản kinh phí phải trả gần 5.000 tỉ đồng nên cho khấu trừ dần vào tiền thuế các năm tiếp theo là khả thi.

Lắng nghe để sửa đổi

Sau gần 3 năm áp dụng Nghị định 20/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết (gọi tắt NĐ 20), Bộ Tài chính đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định theo hướng tăng khống chế chi phí lãi vay lên 30% thay vì mức 20% như hiện nay.

Đáng nói, điều mong chờ nhất của các doanh nghiệp trong thời gian qua là quy định hồi tố cho phép doanh nghiệp được áp dụng điều khoản sửa đổi từ kỳ tính thuế 2017 đến nay, thì dự thảo sửa đổi của Bộ Tài chính đưa ra chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 trở đi.

Vào đầu tháng 3.2020, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi những bất cập tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Theo đó, VNREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp chịu thiệt hại từ khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 sau khi Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc không áp dụng hiệu lực hồi tố đối với điều khoản này cho các kỳ tính thuế trước năm 2019.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. Đa số thành viên Chính phủ đồng ý phương án quy định hiệu lực hồi tố đối với Nghị định này, cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ trong các năm 2017, 2018, 2019 do vượt quá tỉ lệ 20% sang các kỳ tính thuế tiếp theo.

Trên cơ sở đó, VNREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quy định hiệu lực hồi tố cho Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20, theo đó trần lãi vay 30% cần được áp dụng các kỳ tính thuế năm 2017, 2018, 2019 đối với tất cả các doanh nghiệp (không phân biệt doanh nghiệp đã qua thanh tra, kiểm tra thuế hay chưa); cho phép doanh nghiệp chuyển phần chi phí lãi vay vượt mức khống chế theo quy định tại Nghị định 20 sang kỳ sau, thời gian chuyển có thể xem xét và 5 năm kể từ sau kỳ bị loại, phù hợp với quy định về kỳ chuyển lỗ.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung việc hồi tố các chính sách sửa đổi cho hai năm 2017 và 2018. Theo VCCI, việc hồi tố không vướng mắc pháp lý, từng có tiền lệ trong quá khứ, không phát sinh các rủi ro, tiêu cực và có thể gia tăng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tạo nguồn lực hỗ trợ cho Doanh nghiệp

Trao đổi với Lao Động, một cán bộ của Bộ Tài chính cho biết, bộ đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 20 để sớm đạt theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu theo đúng tiến độ thì hôm nay (20.4), Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định này với nội dung hồi tố chi phí lãi vay của năm 2017 và 2018 để ban hành.

Theo một số chuyên gia trong ngành Tài chính, ngành Thuế có thể hoàn toàn xử lý được việc này bằng cách trừ vào số tiền thuế phải nộp của doanh nghiệp trong các kỳ tính thuế tiếp theo. Khi đó sẽ không ảnh hưởng đến quyết toán ngân sách Nhà nước các năm 2017, 2018, không phát sinh việc hoàn trả thuế từ ngân sách Nhà nước nên không cần phải bố trí thêm nguồn thu.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - nói với Lao Động rằng, Nghị định 20 là đúng cả về quốc tế và cả Việt Nam. Đúng về lý luận và thực tiễn theo khuyến cáo của tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, khi có thông tin phản ánh có những điểm chưa phù hợp thì Chính phủ và Bộ Tài chính phải xem xét lại.

“Nếu cơ quan quản lý Nhà nước đã nhận ra mức chi phí lãi vay đưa ra trước đó (20%) là chưa hợp lý thì việc sửa là đương nhiên. Thế nhưng đã sửa thì sửa tận gốc, tức là phải có hồi tố” - ông Thịnh nói và cho biết, mới đây Thủ tướng có yêu cầu Bộ Tài chính sửa lại Nghị định chứng tỏ có sự cầu thị, lắng nghe. Việc hồi tố khoản thuế trên đặc biệt có ý nghĩa với các DN trong hoàn cảnh dịch COVID-19 đang đẩy rất nhiều DN vào khó khăn, thậm chí không ít DN lớn cũng lâm vào tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn