MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh TL.

Thêm quy định, có dễ ngăn "ông lớn" FDI chuyển giá né thuế

Khánh Hoà LDO | 31/05/2017 06:00
Liên tục đầu tư mở rộng sản xuất nhưng nhiều đại gia FDI vẫn than lỗ và có dấu hiệu chuyển giá né thuế; trong khi đó từ 2010 đến 2015, ngành thuế mới “soi” được 130 DN và truy thu hơn 700 tỉ đồng tiền thuế.

Trao đổi với báo giới chiều 30.5, Tổng cục Thuế cho biết áp dụng nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (GDLK) từ ngày 1.5 đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc chống chuyển giá, bảo vệ nguồn thu cho Việt Nam và bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các DN trong và ngoài nước.

Theo quy định này, các công ty mẹ tối cao có trụ sở chính tại Việt Nam có ngưỡng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỉ đồng trở lên có nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết và chuẩn bị Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia và gửi cho cơ quan Thuế. Khi được hỏi về cơ sở đưa ra tiêu chí 18.000 tỉ đồng, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định trong quá trình xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo đã thu thập những kinh nghiệm quốc tế và tổng kết, đánh giá hiện trạng tại Việt Nam để đưa ra nền tảng pháp lý cho phù hợp. Con số này ở nhiều nước đang duy trì khoảng 750 triệu Euro.

Theo Tổng cục thuế, để nâng cao tính minh bạch trong quản lý giá chuyển nhượng, các nước trên thế giới đều đang rà soát, sửa đổi quy định về quản lý thuế đối với DN có GDLK bằng hình thức yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia cung cấp một cách toàn diện, tổng thể về toàn bộ chuỗi giá trị phân phối, các kênh tạo lập nên giá trị, số thuế đã nộp của tại các quốc gia,...thông qua hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết với 3 cấp độ là hồ sơ toàn cầu, hồ sơ quốc gia và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.

Tổng cục Thuế cho rằng các hồ sơ này sẽ nâng cao chất lượng quản lý rủi ro giá chuyển nhượng cho cơ quan Thuế, đồng thời giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế qua cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các nước.

Dù được nhiều chuyên gia nhận định là tăng chế tài để ngăn chuyển giá nhưng nghị định 20 cũng khiến nhiều DN trong nước lo lắng khi bị khống chế trần tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của DN ở mức 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của DN. Trước vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết chi phí lãi vay này áp dụng cả với các khoản vay từ bên liên kết và khoản vay từ bên độc lập cũng bao gồm cả lãi đi vay thuần túy và lãi trả chậm, lãi góp. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế không bình luận nhiều về vấn đề này cũng như việc nghị định 20 có ngăn cản DN trong nước tiếp cận nguồn vốn nước ngoài.

Trước các câu hỏi về kết quả thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng thời gian qua, đại diện Tổng cục Thuế cho biết từ năm 2010 đến hết năm 2015, ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra và thực hiện điều chỉnh xác định giá thị trường đối với 130 DN, điều chỉnh giảm lỗ khoảng 2.962 tỉ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 3.430 tỉ đồng, truy thu 724 tỉ đồng.

Theo quy định mới, việc thanh tra và ấn định thuế sẽ được tiến hành khi người nộp thuế không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin, không đầy đủ thông tin hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định hoặc sử dụng các thông tin về giao dịch độc lập không trung thực, không đúng thực tế để phân tích so sánh, kê khai xác định giá giao dịch liên kết hoặc dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận áp dụng cho giao dịch liên kết...

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn