MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thép Sông Hồng giải thể: Xử lý ra sao với khu "đất vàng" ở Phú Thọ?

TRÍ MINH LDO | 20/03/2022 17:19
Sau khi tiến hành thủ tục giải thể, số phận của lô đất hơn 10ha được dùng làm nhà xưởng của Thép Sông Hồng (nằm tại phố Đoàn Kết, P. Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đang là một dấu hỏi. 

Mới đây, như Lao Động đã đưa tin, sau hơn chục năm hoạt động theo kiểu "sống lay lắt", Công ty cổ phần Thép Sông Hồng đang làm thủ tục giải thể. Điều đáng nói, sau sự kiện này, Tổng công ty Sông Hồng (SHG) có nguy cơ mất trắng hơn trăm tỉ đồng vốn góp tại đây. Cụ thể, trên báo cáo tài chính, Tổng Công ty Sông Hồng cho hay, đã trích lập dự phòng khoản vốn góp 102 tỉ đồng vào Thép Sông Hồng.  

Điều đáng nói, có nhiều ý kiến băn khoăn liên quan đến số phận 10 ha đất có vị trí đắc địa tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ của Thép Sông Hồng sau khi công ty này giải thể. 

Ngày 20.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho rằng, trong vấn đề này cần phải làm rõ về quyền chủ sở hữu các tài sản trong doanh nghiệp nhà nước như thế nào, ai chịu trách nhiệm.  

“Nếu xử lý vấn đề của Thép Sông Hồng, tài sản về đất đai cần phải được tách riêng” - ông Lê Đăng Doanh nói. 

Khu đất có vị trí đắc địa của Thép Sông Hồng ở Phú Thọ, trong khi đó, Tổng công ty Sông Hồng lại đang phải trích lập dự phòng mất vốn đầu tư vào đây. Ảnh: T.M.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, tách riêng về xử lý đất đai để tránh đi vào những tiền lệ cũ khi doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể nhưng vẫn ẵm trọn các khu đất vàng, để rồi tự ý “phân lô, bán nền", gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. 

Đáng chú ý, trước khi có tái cơ cấu vốn vào năm 2015, Thép Sông Hồng vẫn thuộc sự chi phối của Tổng công ty Sông Hồng với tỷ lệ vốn góp 85%. Tuy nhiên, sau khi giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 85% xuống 32,9%, Tổng công ty Sông Hồng cũng chính thức mất quyền kiểm soát công ty thép này cùng 10 ha đất đắc địa kể trên. 

Ngoài câu chuyện ở Thép Sông Hồng, như Lao Động đã phản ánh mới đây, Tổng công ty Sông Hồng cũng đang ở vào trạng thái gần như “đóng băng” hoạt động khi gánh khoản nợ hơn 1.057 tỉ đồng. 

Mới đây, theo thông tin PV Lao Động nắm được, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa có thông báo về việc không tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Tổng Công ty Sông Hồng do Bộ Xây dựng sở hữu để chờ hướng dẫn của cơ quan quản lý, do Chứng thư thẩm định giá là cơ sở xác định giá khởi điểm hết hiệu lực.

Ngoài ra, hàng loạt dự án bất động sản của đơn vị này cũng rơi vào tình trạng dở dang, bế tắc như: Tổ hợp công trình đa chức năng Sông Hồng Tower, có diện tích 1,38ha tại (phường Xuân Tảo và Cổ Nhuế 1, Hà Nội) hay dự án khách sạn Royal Sông Hồng tại TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) có tổng mức đầu tư dự kiến 47,6 tỉ đồng, khởi công từ quý IV/2009 đến năm 2015 thì dừng thi công;...

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” vừa được Chính phủ phê duyệt, những trường hợp như của Tổng công ty Sông Hồng sẽ phải xử lý dứt điểm.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn