MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
P/E của VN-Index tại ngày 31.12.2022 ở mức 10,46. Ảnh: Đức Mạnh

Thị trường chứng khoán có thể tạo đáy vào quý II sắp tới

Đức Mạnh LDO | 03/02/2023 07:54
Các chuyên gia dự kiến, trường hợp không có tái cấu trúc kinh tế gây ra bởi khủng hoảng, chu kỳ giảm giá tự nhiên của thị trường chứng khoán Mỹ và VN-Index đều có khả năng tạo đáy vào quý II.2023.

Dao động trong vùng 950 - 1.250 điểm

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có số tham chiếu quá khứ cho giai đoạn giảm giá chu kỳ. Tuy vậy, dự kiến trên số liệu thống kê trung bình cho thấy thời gian giảm từ đỉnh xuống đáy kéo dài 14,3 tháng. Trong khi đó thời gian hồi từ đáy, đến khi vượt đỉnh trước khi giảm là 12,3 tháng.

Do đó, dự kiến trường hợp không có tái cấu trúc kinh tế gây ra bởi khủng hoảng, chu kỳ giảm giá tự nhiên của thị trường chứng khoán Mỹ và VN-Index đều có khả năng tạo đáy vào quý II/2023.

  Thống kê những quãng giảm sâu của thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam. Ảnh: VFS

Theo VFS, P/E VN-Index ngày 31.12.2022 ở mức 10,46, thấp so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan (17,76), Indonesia (12,59) cũng như các thị trường phát triển như Mỹ (20,46) và Anh (14,42).

So sánh với các giai đoạn biến động trong quá khứ, mức P/E hiện tại của VN-Index vẫn thấp, tương đương với những vùng tạo đáy dài hạn của thị trường.

Chuyên gia nêu quan điểm: "Chúng tôi dự kiến P/E dự phóng năm 2023 của VN-Index là 9,34 lần. Chỉ số VN-Index sẽ dao động trong vùng 950 - 1.250 điểm."

VFS cho rằng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2023 không quá khả quan. Hơn 50% số ngành tăng trưởng không vượt quá 2 chữ số. 20% số ngành tăng trưởng âm do kết quả kinh doanh năm 2022 hình thành mức nền cao và dự báo kinh tế khó khăn trong năm 2023.

Do đó mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trên sàn trong năm 2023 sẽ đạt mức tăng 12% so với cùng kỳ.

Ngành chứng khoán đang trong giai đoạn kém hiệu quả

VFS nhận định các công ty chứng khoán hiện đang rơi vào giai đoạn hiệu quả hoạt động kém, nhưng cũng là cơ hội để bắt đầu một chu kỳ tăng mới.

"Ngành chứng khoán đang ở vùng hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay P/B ngành dưới 1,1. P/B VN-Index dưới 1,7. Trong đó các vùng giá khi P/B ngành dưới 0,7 là cực kỳ hấp dẫn", chuyên gia đánh giá.

Trong điều kiện thuận lợi, chu kỳ tăng mới có thể bắt đầu từ giữa năm 2023 nhưng sẽ chưa đạt đỉnh hiệu suất cho đến cuối chu kỳ tăng. 

VFS nhận định: "Cần có các yếu tố thay đổi lớn về mặt vĩ mô để đưa ngành chứng khoán vào chu kỳ tăng mới. Khả năng đột phá của ngành chứng khoán sẽ xuất hiện khi có các yếu tố vĩ mô thuận lợi ảnh hưởng đến dòng tiền liên thị trường. Cụ thể gồm áp lực ngoại tệ giảm, lãi suất điều hành giảm, room tín dụng nới lỏng và lạm phát thấp."

  Tương quan hiệu quả hoạt động ngành chứng khoán. Ảnh: VFS

Chuyên gia từ VFS dự phóng cả năm 2022, ngành chứng khoán sẽ tăng trưởng lợi nhuận âm 144%. Chênh lệch lợi nhuận ròng có thể giảm 5.600 tỉ so với 2021 do nhiều yếu tố bất lợi về mặt thị trường và vĩ mô.

Dự báo năm 2023 tăng trưởng lợi nhuận đạt 70% do nền 2022 thấp. Tuy nhiên năm 2023 khả năng tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận sẽ dương, tương đương chênh lệch lợi nhuận ròng tăng gần 4.000 tỉ so với 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn