MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Thị trường chứng khoán: Khối ngoại bán ròng, sự thực dụng lên ngôi!

Thế Lâm LDO | 14/08/2020 21:02

Khối ngoại bán ròng liên tiếp trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu tháng 8 tới nay. Thậm chí, trong khi VN-Index tăng điểm, khối này vẫn bán ròng mạnh.

Hết mua ròng rồi lại bán ròng…

Trong tháng 7.2020, tính chung khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên nếu tính tuần cuối tháng 7 từ phiên giao dịch ngày 24-31, khối ngoại lại mua ròng mạnh.

Trong khoảng thời gian trên, khối ngoại mua ròng hơn 1.000 tỉ đồng. Còn nếu tính riêng 4 phiên (ngày 24, 27, 28, 29 tháng 7), khối ngoại mua ròng mạnh nhất khi thị trường giảm điểm mạnh do bị ảnh hưởng bởi thông tin COVID-19 tái bùng phát, giá trị mua ròng lên đến khoảng 1.125 tỉ đồng.

Động thái mua ròng của khối ngoại vào tuần cuối tháng 7 khá rõ: Tranh thủ thị trường đột ngột giảm mạnh mua vào. Trong tuần đó, VN-Index giảm hơn 58 điểm, tương ứng mức giảm 7,3%. Biên độ giảm mạnh và nhanh như thế thúc đẩy khối ngoại chớp thời cơ mua vào nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn và cơ bản tốt.

Tuy nhiên từ đầu tháng 8 tới nay khi thị trường chứng khoán Việt Nam dần hồi phục trở lại, khối ngoại liên tục có nhiều phiên bán ròng. Động thái này cũng tương đối dễ giải mã, là cho thấy khối ngoại “lướt sóng” thành công trong khoảng từ 2-3 tuần trở lại đây khi VN-Index đã tăng từ mức 798,39 điểm vào ngày 31.7 lên mức 850,74 vào thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 14.8.

Tính chung trong nửa đầu tháng 8, khối ngoại bán ròng khoảng 1.050 tỉ đồng trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, nếu tính riêng trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng đến hơn 1.100 tỉ đồng.

Thực dụng tùy biến theo diễn biến thị trường

Các dự báo trước đây sau đợt khối ngoại bán ròng kéo dài trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 2-5.2020 sẽ quay trở lại mua ròng đã không thực sự diễn ra. Các con số thống kê về giao dịch của khối này cho thấy sự tùy biến theo diễn biến thị trường vào từng thời điểm hoặc từng khoảng thời gian ngắn để đưa ra phản ứng phù hợp.

Đơn cử, vẫn trong mạch bán ròng từ đầu tháng 7, nhưng đến thời điểm thị trường đột ngột giảm điểm mạnh khiến giá nhiều cổ phiếu bluechips trở nên hấp dẫn thì khối ngoại cũng nhanh tay chớp thời cơ mua vào ào ạt chỉ trong vài phiên đã đạt giá trị lên đến hơn 1.000 tỉ đồng. Còn khi thị trường dần quen “sống chung với COVID-19” tái bùng phát  và hồi phục thì khối ngoại quay ra bán ròng.

Tính tới thời điểm này, giá trị mua ròng của khối ngoại trong tuần cuối tháng 7 với giá trị bán ròng trong nửa đầu tháng 8 đã xấp xỉ nhau. Theo dự báo trước đó của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, dòng tiền khối ngoại có quay trở lại mua ròng hay không sẽ thể hiện rõ trong nửa cuối tháng 8 này.

Khi thị trường diễn biến trong tình trạng dùng dằng, lình xình, chiến lược và chiến thuật đầu tư rõ ràng cũng cần thay đổi để thích nghi. Khối ngoại không còn phản ứng theo kiểu ào ạt bán ròng rút vốn hay ào ào mua ròng theo kì vọng của thị trường, mà cũng canh me theo từng phiên với tính thực dụng cao, thậm chí lướt sóng chứ không hẳn cứ phải đầu tư giá trị như cách đầu tư thường thấy ở khối này.

Trong tuần giao dịch vừa qua, khối ngoại đã bán ròng liên tiếp 5 phiên với tổng giá trị khoảng 850 tỉ đồng. Không chỉ bán ròng những mã cổ phiếu mua được với mức giá hấp dẫn vào tuần cuối tháng 7,  khối ngoại còn tranh thủ đẩy hàng ra chốt lời khi VN-Index tiến vào vùng cản khó  khăn 845-860 điểm nhằm bảo toàn thành quả, đề phòng chỉ số quay đầu điều chỉnh mạnh từ vùng cản này.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn