MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán phiên đã rớt điểm kỉ lục 73,23 điểm trong phiên giao dịch ngày 28.1.2020. Ảnh TL

Thị trường chứng khoán sẽ sớm tìm được điểm cân bằng

Hương Nguyễn LDO | 29/01/2021 08:35

Sau phiên giảm điểm kỷ lục, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, thông suốt trong mọi tình huống. Lãnh đạo UBCKNN tin tưởng thị trường sẽ sớm tìm được điểm cân bằng vì nền tảng thị trường đã tốt hơn so với trước đây.

Thông tin về COVID-19 đã tác động mạnh tâm lý nhà đầu tư

Trao đổi với với phóng viên, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết nguyên nhân thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giảm điểm rất mạnh ngày 28.1.2021 là do sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau. Theo đó, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, kể từ khi thị trường trải qua một thời gian tăng điểm dài và mạnh, nhất là khi thị trường tiếp cận vùng đỉnh lịch sự quanh 1.200 điểm.

Theo lãnh đạo UBCKNN, phiên ngày 28.1 có phần chịu sự tác động từ xu thế chung của thị trường thế giới. TTCK Mỹ giảm mạnh, sau đó nhanh chóng ảnh hướng tới TTCK châu Á.

Thông tin về số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng xuất hiện tại Quảng Ninh, Hải Dương,… đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư. Chính luồng thông tin này đã khiến thị trường gia tăng nhanh chóng áp lực bán tháo, làm hàng loạt cổ phiếu giảm sàn “vô điều kiện”.

Đồ thị chỉ số chứng khoán VNINDEX trong 3 tháng qua. Ảnh chụp màn hình

Ngoài ra, “qua tìm hiểu thông tin, một số tin đồn không chính xác về số ca lây nhiễm và diễn biến dịch COVID-19,… cũng là một nguyên nhân khiến tâm lý nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới chưa trải nghiệm qua các đợt điều chỉnh mạnh của thị trường thêm phần hoang mang và bán ra bằng mọi giá” – đại diện lãnh đạo UBCKNN chia sẻ thêm.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam?

Nhận định về xu hướng thị trường, đại diện UBCKNN cho rằng, trong ngắn hạn, TTCK có thể vẫn còn chịu áp lực giảm điểm, bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh và tâm lý thận trọng vì thế vẫn còn. Tuy nhiên, các yếu tố nền tảng của TTCK Việt Nam hiện nay đã khác so với gian đoạn dịch mới bắt đầu bùng phát cuối quý I/2020.

Theo đó, về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực. Kinh tế vĩ mô tăng trưởng dương là một điểm sáng của Việt Nam. Các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát được kiểm soát, lãi suất giảm mạnh, dự trữ ngoại hối cao, tỷ giá ổn định, giá trị xuất nhập khẩu tăng ấn tượng… đều đang tạo ra nền tảng hỗ trợ TTCK trong thời gian tới. Mặc dù nhiều nhóm ngành chịu tác động lớn vì dịch COVID-19, nhưng nhìn chung sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết vẫn cho thấy sự khả quan.

“Đặc biệt, Việt Nam rất thành công qua thực tiễn kiểm soát và chống dịch COVID-19 qua hai lần bùng phát trước đây. Lần tái phát đợt này cũng khó lường và cần sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, cũng như người dân; tuy nhiên, chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm vượt qua nhờ kinh nghiệm và các phương án chống dịch trước đây” – đại diện Lãnh đạo UBCKNN nhấn mạnh.

Chính vì vậy, “nhiều chuyên gia và chúng tôi cũng tin rằng, tâm lý nhà đầu tư sẽ bình ổn, TTCK sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng trong ngắn hạn và phục hồi trở lại” – đại diện UBCKNN tin tưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn