MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trong những phiên giao dịch lệnh bị tắc tại sàn giao dịch của công ty chứng khoán không được sàn HoSE tiếp nhận. Ảnh: Thế Lâm

Thị trường chứng khoán và “ngưỡng kháng cự” 14.000 tỉ đồng

Thế Lâm LDO | 31/12/2020 09:29

Thị trường chứng khoán Việt Nam điển hình là sàn HoSE trong năm 2020 mang lại nhiều nụ cười hơn là nỗi buồn. Sàn HoSE đã đạt đến những kỷ lục mới trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam 20 năm qua. Song, những kỷ lục mới cũng đã đặt ra bài toán phải giải quyết.

Từ sự bùng nổ thanh khoản…

Tính từ thời điểm cuối tháng 3.2020, cụ thể là phiên ngày 30.3 khi VN-Index tạo đáy ở mức 662,26 điểm, đến hết phiên giao dịch ngày 29.12 cán mức 1.099,49 điểm, thị trường đã tăng liền một mạch 437,23 điểm, tương ứng mức tăng 66%. Tuy nhiên nếu xét về mức độ hồi phục và tăng giá của các cổ phiếu thì có không ít cổ phiếu đã tăng giá hơn 100%.

Sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ lấy lại những điểm số đã mất so với thời điểm cuối năm 2019 (VN-Index ở mức 960,99 điểm), mà thậm chí còn vượt qua mức điểm số của VN-Index vào thời điểm trước khi nghỉ Tết Nguyên đán 2020 (phiên ngày 22.1.2020 VN-Index đạt đỉnh 991,46 điểm). Bởi sau khi nghỉ Tết, thị trường bắt đầu chuỗi ngày lao dốc nặng nề vì ảnh hưởng dịch COVID-19.

Thị trường hồi phục kéo theo cơ hội kiếm tiền rộng mở đã kích thích nhiều nhà đầu tư nhập cuộc, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư hoàn toàn mới còn được gọi là F0. Các F0 đã lao vào thị trường một cách không hề “sợ hãi”. Tính đến hết tháng 11.2020, đã có hơn 300.000 tài khoản chứng khoán mở mới tính từ đầu năm, một kỷ lục trong suốt nhiều năm qua. Kỷ lục thứ hai là dòng tiền. Tính từ đầu tháng 4.2020 tới nay dòng tiền vào thị trường thuần một hướng đi lên. Còn tính từ giữa tháng 11 tới kết năm 2020, bình quân mỗi phiên sàn HoSE đạt thanh khoản trên 10.000 tỉ đồng. Từ mức này, giá trị thanh khoản tiếp tục tăng dần đều qua từng tuần. Cho đến 2 tuần cuối tháng 12.2020, thanh khoản trên HoSE đạt mức bình quân trên 14.000 tỉ đồng/phiên. Một kỷ lục của 20 năm lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

… đến bài toán giải quyết “ngưỡng kháng cự” thanh khoản

Kỷ lục về thanh khoản trong những phiên giao dịch cuối năm trên HoSE đã dẫn đến tình trạng quá tải. Hệ thống giao dịch điện tử của HoSE trong các phiên có mức thanh khoản vượt qua ngưỡng 13.000 tỉ đồng và bước vào vùng 14.000 tỉ đồng là bắt đầu cho thấy các dấu hiệu “tắc đường”, như nhà đầu tư khó đặt lệnh, HoSE chậm nhận lệnh, kết quả được HoSE trả về chậm, thậm chí có phiên bảng điện tử “loạn nhịp” không thể xác định được chính xác mức giá khớp.

Phía HoSE cho rằng, hệ thống không xảy ra lỗi vì vẫn cho kết quả giao dịch bình thường, nhưng đồng thời cho rằng không thể kiểm soát được lệnh giao dịch từ các công ty chứng khoán kết nối đến với mức tăng mạnh từ 3-12 lần trong những phiên cuối năm 2020.

Chính từ đó, một giải pháp tình thế được HoSE áp dụng trong những phiên gần đây là bóp thanh khoản và lệnh giao dịch, dẫn đến thanh khoản kết phiên chỉ ở mức từ 14.000-14.500 tỉ đồng dù trên thực tế nhu cầu giao dịch trong một số phiên lớn hơn nhiều. Một số chuyên viên tại các công ty chứng khoán cho rằng, giải pháp tình thế này nhằm bảo đảm độ ổn định và an toàn cho hệ thống thay vì nếu “xả cửa” có thể gây ra sự cố dẫn đến hậu quả nặng nề hơn. Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng, nếu cứ kéo dài giải pháp tình thế bóp thanh khoản sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu tự nhiên của thị trường, thanh khoản không được phản ánh đúng...

“Ngưỡng kháng cự 14.000 tỉ đồng” đang là bài toán buộc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và công ty mẹ mới thành lập là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam phải giải quyết một cách khẩn trương và hợp lý trong khoảng thời gian đầu năm 2021 sau dịp nghỉ Tết Dương lịch. Thị trường chứng khoán đang khởi sắc, không thể để cho tình trạng hệ thống bị quá tải rồi xoay qua sử dụng giải pháp bóp thanh khoản và lệnh giao dịch sẽ làm méo mó thị trường và gây ức chế cho tâm lý của nhà đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn