MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Thị trường chứng khoán: Vì sao dòng tiền tháng 7 gặp khó hơn trước?

Thế Lâm LDO | 31/07/2020 20:09

Thị trường chứng khoán đã kết thúc tháng 7 giảm điểm. Theo đó, VN-Index tháng 7 mất đi 26,72 điểm tương ứng 3,23%. Mức này tính ra vẫn thấp hơn số điểm bị mất vào tháng 6 trước đó, 39,36 điểm tương ứng với 4,5%. Song quan trọng là thanh khoản thị trường vẫn chưa cho thấy sự trở lại một cách ổn định.

Hai tuần cuối tháng VN-Index giảm điểm mạnh

Hai tuần giao dịch cuối tháng 7 với 10 phiên (từ ngày 20-31.7) chính là hai tuần giảm điểm mạnh nhất tính từ tháng 4 trở lại đây. Theo đó, VN-Index mất tổng cộng 73,63 điểm. Trong đó, điểm số giảm mạnh rơi vào ba phiên ngày 24, 27 và 29.7 chủ yếu bị tác động bởi thông tin dịch COVID-19 tái bùng phát trong cộng đồng.

Tuy nhiên, chính trong các phiên giảm mạnh, thanh khoản trên thị trường cũng tăng trở lại đột biến. Cụ thể, phiên giao dịch ngày 24.7 chỉ riêng sàn HoSE đạt thanh khoản trên 7.540 tỉ đồng, phiên ngày 27.7 đạt gơn 7.000 tỉ đồng, và phiên ngày 29.7 dù thanh khoản giảm xuống nhưng vẫn còn đạt trên 5.460 tỉ đồng.

Thanh khoản tăng mạnh từ dòng tiền của nhà đầu tư đứng ngoài lâu nay quay trở lại. Tuy nhiên, điểm nhấn về thanh khoản trong vài phiên cuối tháng 7 cũng ghi nhận sự mạnh tay mua ròng của khối ngoại. Với bốn phiên trong khoảng thời gian từ 24-29.7, khối ngoại đã mua ròng mạnh hơn 1.100 tỉ đồng.

Lực mua mạnh từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong đó có những nhà đầu tư F0 chủ yếu bắt đáy trong khi khối ngoại mua các mã trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 có cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh tương đối khả quan so với mặt bằng chung sau khi đã giảm xuống mức giá hấp dẫn.

Đây được cho rằng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến dòng tiền được kích hoạt quay trở lại thị trường, giúp thanh khoản trên sàn HoSE tăng mạnh.

Vì sao dòng tiền gặp khó?

Tuy nhiên, thanh khoản trên sàn HoSE cũng chỉ được kích hoạt mạnh trở lại đúng vào bốn phiên khối ngoại mua ròng mạnh. Hai phiên sau đó vào các ngày 30 và 31.7, dòng tiền đã được rút đi rất nhanh, chỉ còn lần lượt ở mức là gần 3.200 tỉ đồng và hơn 3.900 tỉ đồng.

Thứ nhất là dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, chỉ tranh thủ thị trường giảm mạnh để mua được cổ phiếu giá tốt. Trong những phiên thị trường tăng trở lại, dòng tiền này cân nhắc hơn, bởi thị trường vàng đang sốt nóng cũng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thị trường địa ốc cũng bắt đầu được hâm nóng một chút từ tháng 6 trở lại đây cho dù chưa tới mức sôi động.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy, khi giá cổ phiếu trên thị trường giảm xuống mức hấp dẫn nhờ mấy phiên giảm mạnh, họ đã đột ngột quay ngoắt lại mua ròng mạnh. Tuy nhiên, khi thị trường tăng điểm trở lại trong phiên ngày 30.7 thì khối ngoại giảm đến 95% giá trị mua ròng vì e ngại bẫy tăng giá, hoặc trong phiên có vẻ lình xình như ngày 31.7 khối ngoại quay ra bán ròng gần 120 tỉ đồng trên toàn thị trường.  

Qua 10 phiên giao dịch của hai tuần cuối tháng 7 đã cho thấy rất rõ sự trở lại của dòng tiền rất nhanh và cũng rút đi rất nhanh, qua đó thể hiện kiểu tham gia thị trường chớp thời cơ của cả khối ngoại và nhà đầu tư trong nước.

Sự tham gia thị trường như vậy khiến dòng tiền không ổn định, thanh khoản thị trường thất thường, tâm lí nhà đầu tư cho thấy không rõ xu hướng khi thị trường cũng chưa thể xác định rõ được xu hướng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn