MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thị trường đặt đồ ăn "ngon" cỡ nào mà các ứng dụng "đánh nhau vỡ đầu?"

Thế Lâm LDO | 06/12/2018 07:00

Cùng một ứng dụng nhưng những Grab, Go-Viet, Zalo, FastGo… đang mở ra nhiều “mặt trận” đấu nhau nảy lửa. Mới nhất, dịch vụ Go-Food của Go-viet ra mắt đòi đấu với GrabFood, ZaloFood, Now.vn…

Thị trường đặt thức ăn to đến cỡ nào?

Nếu thị trường đặt xe tại Việt Nam theo nghiên cứu của Google và Temasek hiện đạt giá trị khoảng 500 triệu USD và sẽ tăng lên gấp 4 lần trong thời gian tới thì thị trường ứng dụng đặt thức ăn còn khá khiêm tốn.

Theo nghiên cứu của Euromonitor, giá trị thị trường này năm 2018 ước đạt khoảng 33 triệu USD và sẽ tăng lên 38 triệu USD vào năm 2020.

Dung lượng thị trường nhỏ hơn khoảng 15 lần nhưng thị trường đặt thức ăn có số ứng dụng tham gia lại không kém gì thị trường ứng dụng đặt xe.

Từ khá lâu là những cái tên Delivery Now của Foody (về sau bán lại cho một tập đoàn Singapore có vốn đầu tư của Tencent - Trung Quốc (một tập đoàn Internet hàng đầu Châu Á), Foodpanda, Vietnammm; còn mới đây là GrabFood, ZaloFood, GoFood…

GoViet xuất hiện khắp nơi
Grabfood phủ xanh đường phố. Ảnh: Zing

Điểm giống nhau của nhiều ứng dụng đặt thức ăn là có thể thu hút được rất nhanh người dùng vì hầu như cùng nằm trên một ứng dụng (trường hợp Zalo, Grab, Go-Viet) “all in one” hay còn gọi là ứng dụng đa dịch vụ, siêu ứng dụng (Super App).

Người dùng chỉ cần mở ứng dụng và chọn loại dịch vụ là được. Tuy nhiên điểm khác nhau chính là chiến lược, chính sách kinh doanh và… túi tiền.

Go-Food tham chiến ồ ạt...

Theo các thông tin được công bố đến thời điểm này, GrabFood vẫn có nguồn tài chính vững chắc nhất với giá trị doanh nghiệp start-up này lên đến hơn 10 tỉ USD.

Tuy nhiên Go-Viet cũng không kém gì khi có Go-Jek hậu thuẫn nhận được đầu tư từ nhiều tập đoàn Internet và công nghệ hàng đầu thế giới.

Delivery Now về sâu xa có Tencent hậu thuẫn. Chỉ có Zalo đang cho thấy sự… hụt hơi về tiền trong cuộc đua này, dù có cộng đồng người dùng lên đến hơn 100 triệu.

Chưa ai ăn ai nhưng đã “đốt” tiền

Trong khi GrabFood và Go-Food ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mãi như miễn phí giao thức ăn, giao thức ăn trong vòng 30 phút, chấp nhận giao thức ăn nhiều điểm trên cùng một cuộc đặt, 999 li trà sữa khuyến mãi 0 đồng, giảm 50% toàn bộ thức uống và miễn phí giao hàng trong vòng bán kính 5km.v.v… thì những Delivery Now, Zalo, Foodpanda lại khá im ắng.  

Tuy nhiên, dù bên nào đang “đốt” tiền hay bên nào đang im ắng thì ngay lúc này cũng chưa thể khẳng định rõ được ưu thế thuộc về ai trong một thị trường người dùng thiên về kim tiền hơn là lòng chung thủy.

và Delivery Now sẵn sàng tung các chiêu khuyến mãi hút khách ...

Ngay cả nếu tính theo dự báo của Euromonitor, đến năm 2020 giá trị thị trường này mới đạt khoảng 38 triệu USD nhưng phải chia ba xẻ bảy thì mỗi ứng dụng thâu tóm cũng chẳng được là bao, cho nên tương lai “đốt” tiền hay nói theo thuật ngữ đầu tư là “lỗ theo kế hoạch” vẫn còn dài dài.

Là bởi, các ứng dụng có nguồn thu ngay từ phí giao hàng người dùng phải trả nhưng để kích cầu thì họ phải chi đến 2, 3 chỉ để thu về 1, thậm chí là 0.

Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, lượng người sử dụng dịch vụ đặt thức ăn qua ứng dụng tại TP.HCM và Hà Nội đang tăng lên rất nhanh từ mức 30% năm 2017 lên hơn 70% trong 6 tháng đầu năm 2018 đối với khu vực nhân viên văn phòng.

Có lẽ đây chính là cơ sở để CEO của Go-Viet là Nguyễn Vũ Đức tin rằng có thể tìm được doanh thu tốt từ thị trường này ngay cả khi chưa cung cấp dịch vụ Go-Food ra thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn