MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch vụ shipper bùng nổ là một trong những yếu tố thúc đẩy kinh tế số phát triển. Ảnh: Ngọc Lê.

Thị trường kinh tế số Việt Nam hàng trăm tỉ USD trở thành “chiến địa” nóng

Thế Lâm LDO | 14/11/2021 19:13

TPHCM- "Ngày độc thân" 11.11 vừa qua các sàn thương mại điện tử Việt Nam bội thu về số lượng đơn hàng và doanh số. Đây là điều đã được dự báo trước. Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh cũng thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam năm 2021 tăng tốc.

Cuộc đua đường dài để giành giật thị phần

Trước thời điểm một trong những ngày ưu đãi mua sắm online lớn nhất trong năm là ngày 11.11, có 2 sự kiện đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam. Sự kiện thứ nhất đó là sàn TMĐT Tiki gọi vốn được thêm 258 triệu USD, và hướng đến kế hoạch IPO tại Mỹ trước năm 2025.

Sự kiện đáng chú ý thứ hai, Công ty VNG đã rót 22,5 triệu USD (tương đương 510 tỉ đồng) đầu tư vào nền tảng thương mại B2B có tên Telio. Cần biết rằng, VNG chính là một trong vài cổ đông lớn tại Tiki hiện nay.

Vài năm qua, khi sàn Tiki cũng như nhiều sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam là Lazada, Shopee, Sendo… vẫn tiếp tục phải gọi vốn đầu tư, đẩy mạnh cạnh tranh giành giật thị phần, dẫn đến những khoản lỗ “trong kế hoạch” hàng ngàn tỉ đồng.

Cạnh tranh trên thị trường TMĐT tại Việt Nam được cho là thuộc hàng khốc liệt nhất tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á.  Tương quan của “Big Four” Lazada, Shopee, Tiki, Sendo hiện khá ngang ngửa, hoặc có cách biệt cũng không quá lớn, chính vì thế càng dẫn đến cuộc đua đường dài.  

Vẫn phải tập trung vào “sân nhà”

Xét về nguồn gốc, trong “Big Four” TMĐT tại Việt Nam đề cập ở trên, có 2 là doanh nghiệp trong nước (Tiki, Sendo) và 2 đến từ nước ngoài. Tuy nhiên, với những nguồn tiền đầu tư từ nước ngoài vào, thậm chí còn xảy ra đầu tư song song  gián tiếp, việc phân biệt doanh nghiệp Việt hay doanh nghiệp nước ngoài trong “Big Four” chỉ còn mang tính tương đối. Bởi ngay cả trường hợp như Tiki hay Sendo, tỉ lệ cổ phần của cổ đông Việt Nam chưa chắc còn chiếm đa số.

Thực tế trên cũng khẳng định một thực tế khác, TMĐT Việt Nam không thể phát triển nếu không có dòng vốn ngoại. Các doanh nghiệp Việt và quỹ đầu tư Việt, khó có thể trường vốn đồng thời mạnh vốn để theo đuổi lĩnh vực này. Và cũng chính nhờ dòng vốn ngoại, thị trường TMĐT Việt Nam mới phát triển sôi động bậc nhất khu vực.  

Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2021” vừa được Google, Temasek và Bain & Company công bố, nền kinh tế số   Việt Nam dự kiến đạt 220 tỉ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia.

Năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỉ USD tổng doanh thu nhờ sự tăng trưởng 53% của TMĐT so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 4 lĩnh vực đang có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chính là thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).

CEO của Tiki – ông Trần Ngọc Thái Sơn – cho rằng, với khoản đầu tư mới startup Việt này sẽ tiếp tục tập trung hoàn toàn vào thị trường Việt Nam, sẽ đầu tư vào xây dựng hạ tầng, từ giải pháp công nghệ, chuỗi cung ứng… cho đến đào tạo nguồn nhân lực.

Từ phát biểu của CEO Tiki cho thấy, “chiến địa” chính của các doanh nghiệp kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng trong những năm tới vẫn là thị trường trong nước. Bởi trong những năm tới, thị trường kinh tế số Việt Nam hiện còn dư địa tăng trưởng về GMV và về doanh thu rất lớn, từ hàng chục đến hàng trăm tỉ USD mỗi năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn