MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quản lý tài sản trở thành định hướng được loạt công ty chứng khoán theo đuổi. Ảnh: Hải Nguyễn

Thị trường quản lý tài sản dư địa lớn nhưng còn nhiều rủi ro

Gia Miêu - Minh Ánh LDO | 06/10/2023 08:25

Thị trường quản lý tài sản ở nước ta hiện nay được đánh giá có tiềm năng, nhưng còn ở giai đoạn chập chững, thiếu chuyên nghiệp trong khi trên thế giới, đây là thị trường có quy mô tỉ USD. Tại Việt Nam, dù đã bắt đầu manh nha trong lĩnh vực chứng khoán hoặc bất động sản, song chỉ mang tính chất tư vấn, hỗ trợ nhiều hơn là những thỏa thuận, ràng buộc rõ ràng.

Nhà đầu tư "tay ngang" dễ gặp rủi ro

Tham gia thị trường chứng khoán hơn 2 năm, trải qua nhiều bài học, nhưng anh Nguyễn Quang Phú (Hà Nội) vẫn không nguôi cơn giận khi bị mất tiền vì trót tin tưởng người môi giới chứng khoán.

"Vào thời điểm đó, bạn môi giới tìm đến và giới thiệu cho tôi một mã cổ phiếu đang có độ lên rất tốt. Tôi được mời chào mua khoảng hơn 1.000 cổ phiếu, với giá thời điểm đó khoảng 37 triệu đồng. Khi đó, thấy các bạn tư vấn cho mình nhiều mẹo, nhiều kiến thức nên tôi cũng dễ tin tưởng, thậm chí lần đầu tiên đó tôi thắng, thu về gấp 2 lần tiền vốn ban đầu. Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng" - anh Phú chia sẻ.

Ngay sau khi có chiến thắng, bạn môi giới lập tức khuyên anh Phú nên đổ vốn và đầu tư thêm, gia tăng tài khoản. Và tất nhiên, anh Phú đổ nốt số vốn còn lại vào và thua trắng số tiền gần 200 triệu đồng.

Quản lý tài sản có dư địa lớn, nhưng con đường không dễ đi. Ảnh: Bảo Chương

Hấp lực của ngành quản lý tài sản

Thời gian gần đây, mô hình quản lý tài sản đã bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn trong định hướng phát triển của nhiều công ty chứng khoán. Trong nhiều năm trở lại đây, các công ty chứng khoán đang đưa ra thị trường nhiều dịch vụ quản lý tài sản.

Đơn cử như MBBank mới đây đã giới thiệu sản phẩm đầu tư cùng nền tảng quản lý tài sản ưu việt Wealth Management - Digi Trading trên App MBBank, cung cấp cho người dùng các sản phẩm như: Gói cổ phiếu, Chứng chỉ quỹ, Chứng chỉ tiền gửi, Trái phiếu đến từ những đơn vị uy tín nhất trên thị trường… Digi Trading có thể tùy biến để phù hợp với mọi đối tượng khách hàng với số vốn đầu tư linh hoạt và khẩu vị đầu tư riêng biệt với từng cá nhân.

Còn VietCap đã mở thêm bộ phận mới là Wealth Management (quản lý tài sản khách hàng) nhằm tập trung nhóm khách hàng mà công ty chứng khoán này có lợi thế cạnh tranh cao. Một số công ty chứng khoán khác cũng không đứng ngoài cuộc chơi như BSC đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới trên cơ sở hợp tác với cổ đông chiến lược Hana Securities, trong đó phát triển các mảng kinh doanh fintech, quản lý tài sản… là một trọng tâm.

Nếu quan sát kỹ, nhà đầu tư sẽ thấy những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới và khu vực khi vào Việt Nam sẽ có mô hình Ngân hàng - Công ty chứng khoán kết hợp kiểu những cái tên như Mirae Asset; Yuanta, Maybank, Hongleong; Shinhan… Đặc biệt, trong mùa đại hội năm nay, nhiều nhà đầu tư đang ngóng đợi thông tin liên quan động thái nhiều ngân hàng trong nước cũng bắt đầu đi bước tiến lớn trong ngành, đó là tích cực mua công ty tài chính hay chứng khoán để hoàn thiện hệ sinh thái với rất nhiều ngành nghề liên quan đến thị trường chứng khoán, trong đó có ngành quản lý tài sản.

Chặng đường không dễ đi

Trao đổi với Lao Động, ThS Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần quản lý gia sản FIDT - cho rằng, dự kiến đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức gần 50 triệu người. Rõ ràng, khi thu nhập tăng lên thì người dân sẽ phát sinh ngày càng nhiều và phức tạp hơn các nhu cầu về phân bổ thu nhập, quản lý chi tiêu, bảo vệ tài chính và đầu tư gia tăng tài sản.

Khi nhu cầu về hoạch định một bức tranh tài chính toàn diện gia tăng trong xã hội thì đương nhiên tiếp theo đó phải là nhu cầu tìm hiểu về các kiến thức và kinh nghiệm về quản trị tài chính một cách bài bản và hệ thống, chứ không phải là những kiến thức góp nhặt từ đồng nghiệp, bạn bè hay mạng xã hội.

Cũng có không ít ý kiến của các chuyên gia cho hay, việc phát triển thị trường quản lý tài sản sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ, xuất phát từ chính đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam với những biến động khó lường đặc trưng của một thị trường cận biên.

Hiện nay, một số công ty chứng khoán đưa danh mục của môi giới lên làm danh mục mẫu cho nhà đầu tư. Về bản chất, mô hình này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Hoặc được đánh giá là ít rủi ro hơn đó là quản lý tài sản theo hình thức quỹ đầu tư cũng vẫn có những hạn chế nhất định.

Thực tế cho thấy, có những thời điểm biến động mạnh của thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư không thật sự giảm thiểu được tổn thất cho khách hàng. Điển hình như một con số thống kê được đưa ra đầu năm 2023 cho thấy, hiệu suất các quỹ đầu tư năm 2022 sụt giảm mạnh, trong đó gần 93% quỹ cổ phiếu và cân bằng có giá trị tăng trưởng tài sản (NAV) âm từ 10-30%. Sự lao dốc hiệu suất của các quỹ do chỉ số chứng khoán Việt Nam năm 2022 rơi vào xu hướng giảm mạnh nhất thế giới và khốc liệt nhất trong nhiều năm.

Vì vậy, ThS Ngô Thành Huấn chia sẻ, thời gian qua xuất hiện các sự vụ đánh tráo khái niệm khi tư vấn các sản phẩm tài chính như trái phiếu và tiền gửi, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư và tiền gửi... Đây chính là hồi chuông cảnh báo cho một số định chế tài chính muốn đẩy mạnh doanh thu, bất chấp lợi ích của chính khách hàng đã gắn bó và tin tưởng nhiều năm.

“Tôi cho rằng, chúng ta cần sớm có khung pháp lý về tiêu chuẩn năng lực, tiêu chuẩn hành nghề và cả tiêu chuẩn đạo đức cho chức danh Tư vấn tài chính hay chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân" - ông Huấn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn