MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng USD và đồng yên. Ảnh: AFP

Thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động

Khánh Minh LDO | 29/03/2024 09:00

Đồng yên Nhật Bản rớt xuống gần mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào ngày 28.3.2024, trong khi chứng khoán châu Á giảm trước ngày Mỹ công bố chỉ số lạm phát.

Reuters đưa tin, ngày 28.3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi phát biểu với báo giới rằng, Tokyo đang theo dõi sát sao các biến động tiền tệ và không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào sau khi đồng yên trượt xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ so với đồng USD - ở tỉ giá 151,30 yên đổi 1 USD.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 27.3, đồng yên ở mức thấp kỷ lục trong 34 năm là 151,975 yên đổi 1 USD.

Ba cơ quan tiền tệ chính của Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào tối 27.3 để thảo luận về đồng yên yếu và để ngỏ khả năng sẵn sàng can thiệp vào thị trường nhằm ngăn chặn những động thái đầu cơ và mất trật tự đối với tiền tệ.

Các quan chức đã tăng cường cảnh báo để ngăn chặn sự sụt giảm của đồng yên, chẳng hạn Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki tuyên bố sẽ thực hiện "các bước quyết định" để chống lại những biến động tiền tệ quá mức.
Đồng yên trượt giá đã mang lại lợi ích cho chỉ số Nikkei của Nhật Bản, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số này đã tăng khoảng 3% trong tháng.

Tại Trung Quốc, chứng khoán chìm trong sắc đỏ do bị áp lực bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trước những lo ngại kéo dài về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chỉ số CSI300 của blue-chip đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng vào đầu phiên giao dịch, trong khi chỉ số Shanghai Composite vật lộn dưới mốc tâm lý quan trọng 3.000 điểm và giảm 0,1%.

Đồng nhân dân tệ - cũng bị đè nặng bởi những kỳ vọng về việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa từ Bắc Kinh nhằm củng cố sự phục hồi kinh tế mong manh của Trung Quốc - ít thay đổi, ở mức 7,2270 nhân dân tệ mỗi USD, suy yếu gần mức thấp nhất trong 4 tháng.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) hầu như không tăng. Tất cả những điều đó khiến chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,05%.

Trong khi đó, đồng USD tăng giá, một phần nhờ bình luận từ Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller vào cuối ngày 27.3 rằng không cần phải vội vàng giảm lãi suất.

Chỉ số USD, thước đo của đồng bạc xanh so với các loại tiền tệ chính, đã tăng sau những bình luận của ông Waller, ở mức 104,41. Chỉ số này đã tăng khoảng 3% cho đến nay trong năm 2024.

Kỳ vọng của thị trường về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên diễn ra tại cuộc họp tháng 6 của Fed đã giảm bớt phần nào, đứng ở mức 60% so với 67% một tuần trước. Tuy nhiên, các nhà giao dịch đang đặt cược lớn hơn vào những động thái tương tự của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh trong tháng 6.

Ngân hàng Trung ương Thụy Điển hôm 27.3 phát tín hiệu có nhiều khả năng xảy ra một loạt đợt cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 5 nếu lạm phát tiếp tục giảm xuống mức mục tiêu 2%.

So với đồng bạc xanh, đồng euro giảm 0,1% xuống 1,0816 USD và đồng bảng Anh giảm 0,12% xuống 1,26255 USD. Đồng đô la New Zealand giảm xuống mức yếu nhất trong 4 tháng ở mức 0,5981 USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn