MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023 ngày 2.10. Ảnh: Sở Công Thương Hà Nội

Thị trường tiêu dùng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh dần khởi sắc

Thu Giang LDO | 02/10/2023 16:06

Ngày 2.10, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023. Các chuyên gia nhận định, thị trường tiêu dùng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh dần phục hồi và khởi sắc.

Theo đó, hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023 được tổ chức với chủ đề hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xuất, nhập khẩu, công nghiệp, thương mại và dịch vụ giai đoạn 2023 - 2025.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, sản xuất công nghiệp của 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) đang duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước.

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 5 thành phố chiếm tỉ trọng 38,3% của cả nước. Các thị trường tiêu dùng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước.

Lũy kế trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố chiếm tỉ trọng 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, việc thúc đẩy, phát triển thương mại, xuất khẩu là lĩnh vực khó, mang tính chất liên ngành.

Các hiệp định thương mại (FTA) đã có nhiều nhưng cần quán triệt sâu rộng, thông suốt từ lãnh đạo, quản lý cho tới những người làm trực tiếp trong lĩnh vực công thương. Vì vậy, Bộ Công Thương cần tăng cường tập huấn, giúp các địa phương hiểu kỹ, đầy đủ về các FTA và cách thức xử lý các tình huống gặp phải.

Tương tự, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh - cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển còn chậm, doanh nghiệp trong nước đang bị yếu thế so với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng.

Do vậy, việc quy hoạch và triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hết sức cần thiết.

Cũng theo đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng, phạm vi cam kết trong các FTA thế hệ mới ngày càng sâu rộng và bao trùm, đòi hỏi sự tham gia tích cực và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp.

Vì vậy, với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai các hiệp định, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị hỗ trợ, tư vấn hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhất là cách thức xử lý đối với các vấn đề tồn tại, giảm nguy cơ xảy ra tranh chấp thương mại.

Tại hội nghị nêu trên, Sở Công Thương của 5 thành phố cũng đã ký kết biên bản hợp tác trong giai đoạn tới, thống nhất đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác toàn diện trong tất cả lĩnh vực.

Từ đó bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng tham gia đề xuất xây dựng chính sách, chiến lược phát triển chung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn