MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kênh trái phiếu sẽ khởi sắc và hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024. Ảnh: Bảo Chương

Thị trường trái phiếu đón nhận tín hiệu lạc quan

Gia Miêu LDO | 09/02/2024 08:11

Thị trường trái phiếu cùng nỗ lực tái cấu trúc nợ trái phiếu từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đang dần hướng đến sự ổn định.

Tính đến cuối năm 2023, gần 70 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc gia hạn kỳ hạn trái phiếu và có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn hơn 116.000 tỉ đồng. Trong đó, những doanh nghiệp lớn như Novaland, Phát Đạt, Khang Điền, Hodeco, An Gia… đều thông báo đã cơ bản tái cấu trúc nợ vào thời điểm cuối năm 2023 với việc tất toán và đàm phán gia hạn các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Bước qua thời điểm 2024, thị trường trái phiếu đã và đang cho thấy tín hiệu khởi sắc. Thống kê của FiinGroup cho thấy, tính đến ngày 5.2.2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 4 giao dịch phát hành với tổng giá trị 6.450 tỉ từ 4 doanh nghiệp.

Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) phát hành 2.800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi, có kỳ hạn 10 năm với lãi suất 10%/năm cho 4 quý đầu tiên và sau đó thả nổi với mức lãi bù 2,5% cao hơn lãi suất tham chiếu và trái chủ có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với mức giá 10 nghìn/cổ phiếu.

Tập đoàn Vingroup (VIC) phát hành thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 15%/năm cho năm đầu tiên và sau đó thả nổi với mức bù 4,5% cao hơn lãi suất tham chiếu.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vận tải, một doanh nghiệp chưa đại chúng, phát hành thành công 450 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,5%/năm. Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận phát hành 1.200 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 9,75 năm, lãi suất 10,5%/năm.

Trong đó, nổi bật có trái phiếu của CII với đặc điểm có tính chuyển đổi thành cổ phiếu đã thu hút sự tham gia của hơn 4 nghìn nhà đầu tư cá nhân trong nước, chiếm 80,14% tổng số lượng chào bán.

Có thể nói, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đi qua vùng đáy và đang phục hồi, dù có một số thách thức phía trước. Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, năm 2024, ước tính có gần 278.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm doanh nghiệp bất động sản, với gần 114.000 tỉ đồng. Tiếp đến là nhóm ngân hàng, với gần 55.000 tỉ đồng, chiếm 20%.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đánh giá, khả năng trả nợ của phần lớn công ty suy giảm do đòn bẩy cao và dòng tiền yếu. Trong đó, dòng tiền hoạt động giảm trong 9 tháng đầu năm 2023, do bán hàng sụt giảm và hàng tồn kho tiếp tục tăng. VIS Rating lưu ý tổng nguồn tiền mặt của các công ty (bất động sản) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Lượng trái phiếu đáo hạn lớn khoảng 114.000 tỉ đồng/năm trong giai đoạn 2023 - 2024 cũng sẽ làm gia tăng rủi ro tái cấp vốn.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đánh giá thị trường trái phiếu đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới bền vững hơn nhờ lãi suất giảm, các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi, thị trường minh bạch hơn, các quy định chặt chẽ hơn, tâm lý nhà đầu tư cải thiện.

TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư Khối tài chính DG Capital cho biết, theo dự báo của Moody's, trong năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng kỷ luật và chặt chẽ hơn, niềm tin đối với thị trường tiếp tục hồi phục. Về lâu dài, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Việc áp dụng đầy đủ Nghị định 65/2023/NĐ-CP sẽ gây áp lực nhất định cho doanh nghiệp phát hành, nhưng sẽ tốt hơn cho thị trường, giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn