MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở nên minh bạch hơn. Ảnh: Đức Mạnh

Thị trường trái phiếu năm 2024 sẽ có nhiều khởi sắc

Đức Mạnh LDO | 18/01/2024 14:50

Năm 2024 là đỉnh đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng kỷ lục khoảng 380.000 tỉ đồng (theo số liệu từ FiinGroup). Với nền tảng là niềm tin nhà đầu tư được cải thiện, thị trường minh bạch hơn, các chính sách hỗ trợ kinh tế... được kỳ vọng sẽ giúp thị trường vốn này có thêm nhiều tín hiệu tích cực.

Cần thời gian để phục hồi

"Hạ cánh mềm" là từ để đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 2023. Nghị định 08 ra đời trở thành cơ sở pháp lý giúp các bên cùng đàm phán và gia hạn nợ.

Đồng thời, việc đưa vào vận hành thị trường trái phiếu riêng lẻ thứ cấp chỉ trong thời gian ngắn cũng đã hỗ trợ lớn cho việc xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường vốn quan trọng này.

Bước sang năm 2024, nền tảng lãi suất thấp cả trên thế giới và trong nước sẽ làm tăng tính hấp dẫn của các kênh tài sản rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp. Kết hợp với các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi, thị trường minh bạch hơn, các quy định chặt chẽ hơn, tâm lý nhà đầu tư cải thiện, ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc VIS Rating - kỳ vọng thị trường này đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới bền vững hơn.

Theo quan sát từ ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP FIDT, khi đo ở những thị trường trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, sau những đổ vỡ của phân lớp tài sản như trái phiếu sẽ cần 3 - 5 năm để phục hồi niềm tin, đi theo sẽ cần sự phục hồi của nền kinh tế.

Trao đổi với Lao Động, ông Tuấn dự báo thị trường trái phiếu năm nay sẽ có nhiều màu hồng hơn nhưng để chính thức phục hồi sẽ phải rơi vào năm 2025 trở đi khi những vấn đề nội tại của doanh nghiệp, tắc nghẽn sẽ về dòng vốn trong bất động sản được giải quyết.

Bên cạnh đó, việc thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài sẽ gây áp lực lên thị trường trái phiếu cũng như nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS) - cho biết: "Ước tính giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn trong quý IV/2023 và năm 2024 lần lượt là 12.172 tỉ đồng và 125.305 tỉ đồng, giảm 29% và 5% so với trước khi mua lại.

Ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192.000 tỉ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay của toàn thị trường. Trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả".

Kỳ vọng Nghị định 08 tiếp tục được gia hạn

Giới chuyên gia cho biết, khó khăn hiện vẫn tiếp tục đeo bám doanh nghiệp bất động sản. Việc đáo hạn chỉ giúp họ có thời gian ổn định lại để phục hồi sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ, còn bản chất vẫn chỉ là chuyển nợ sang thời điểm khác.

Việc có hay không gia hạn Nghị định 08 đang trở thành vấn đề được quan tâm khi tiêu chuẩn xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm hay thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành... sẽ không còn được trì hoãn.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - kiến nghị Chính phủ gia hạn quy định áp dụng việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại Nghị định số 08/2023 thêm 12 tháng, đến hết năm 2024 nhằm từng bước hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

"Nếu không gia hạn sẽ có không ít nhà đầu tư cá nhân không hội đủ tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, muốn đáp ứng phải qua các lớp đào tạo theo quy định của pháp luật về chứng khoán và phải có thời gian" - ông phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn