MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Be vươn lên số 2 trên thị trường ứng dụng gọi xe nhưng CEO lại vừa từ nhiệm (ảnh: P.K).

Thị trường ứng dụng gọi xe: "Hiểm địa" đối với nhiều CEO sáng giá

Thế Lâm LDO | 26/12/2019 18:23

"Cạnh tranh khốc liệt", “ghế nóng”…, từng đó ngôn từ dường như cũng chưa thể lột tả hết được thực tế của thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam hiện nay. Cho đến mới đây, ông Trần Thanh Hải - CEO beGroup, doanh nghiệp vận hành ứng dụng gọi xe Be – từ nhiệm,  thị trường này được xem như một “hiểm địa”.

“Hiểm địa” khiến 4 CEO ra đi

Tính đến thời điểm cuối năm 2019, khi CEO của Be được công bố từ nhiệm thì ông Hải chính là vị CEO thứ tư của các doanh nghiệp ứng dụng gọi xe đã rời “ghế nóng”.

Những CEO này rời “ghế nóng” nhưng thị trường vẫn không hề bớt nóng.

Trước đó, bà Lê Diệp Kiều Trang – nguyên CEO của Fossil Việt Nam – đã phải rời khỏi vị trí CEO của Go-Viet chỉ sau khoảng 5 tháng nắm giữ trọng trách, khiến đến bây giờ Go-Viet vẫn chưa chính thức công bố một CEO mới cho dù trong một số văn bản thể hiện ông Phùng Tuấn Đức đang tạm quyền CEO của Go-Viet hiện nay.

Với hơn một năm chính thức bước vào thị trường Việt Nam, Go-Viet được báo chí quốc tế gọi là một công ty con của Go-Jek (Indonesia), đã có đến hai CEO rời khỏi vị trí. Trước bà Trang là ông Nguyễn Vũ Đức cũng đã rời nhiệm cùng với người phó của mình là bà Linh Nguyễn.

Vào khoảng thời gian bà Trang rời vị trí CEO Go-Viet, một gương mặt CEO sáng giá khác là ông Nguyễn Xuân Trường của ứng dụng gọi xe AhaMove, đồng thời cũng là nhà sáng lập, cũng đã rời khỏi vị trí sau khi công bố “khai tử” dịch vụ gọi thức ăn Lala vào cuối năm 2018.

Ông Trần Thanh Hải - cựu CEO của beGroup (ảnh:be).

Sau một năm chính thức ra mắt dịch vụ, Be với những con số được công bố đầy sáng sủa. Đó là Be đã vượt qua Go-Viet trở thành ứng dụng thực hiện được nhiều cuốc xe thứ nhì trong nửa đầu năm 2019. Đó là việc Be triển khai thêm mảng giao hàng, tài chính, gọi thức ăn… Tuy nhiên, Be đã phải dừng tham vọng của mình khi công bố tạm ngưng triển khai dự án gọi thức ăn để tập trung vào các mảng dịch vụ cốt lõi dạo tháng 11.2019. Sau đó hơn 1 tháng, CEO Trần Thanh Hải của ứng dụng này từ nhiệm vì “lí do cá nhân”.

Ai trường vốn sẽ thành công?

Trong số các CEO đã rời vị trí tại các ứng dụng gọi xe, gần đây thông tin được cho rằng bà Lê Diệp Kiều Trang đã mở hướng lập quĩ đầu tư mạo hiểm vào các start-up, trong khi ông Nguyễn Xuân Trường đã đầu quân cho MoMo chủ xướng phát triển một mảng dịch vụ mới…

Thị trường dịch vụ gọi xe đang ngày càng tạo ra một cách biệt lớn giữa vị trí dẫn đầu với các vị trí thứ 2 và thứ 3 ở các mảng chở khách, gọi thức ăn.

Vào tháng 11.2019 khi Be dừng triển khai dự án dịch vụ gọi thức ăn, bên cạnh lí do chính thức được cho rằng để tập trung vào các dịch vụ cốt lõi, Be được cho rằng cũng gặp khó khăn về dòng tiền đầu tư vì thế khó có thể căng sức cùng lúc trên nhiều mặt trận trước các đối thủ như Grab, Go-Viet, Now hay một “lính mới” nữa đến từ Hàn Quốc là Baemin (mua lại ứng dụng gọi đồ ăn Vietnammm).

Dịch vụ gọi đồ ăn đang nở rộ nhiều tên tuổi gia nhập thị trường (ảnh:P.K).

Ở khu vực Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, ít có thị trường nào lại nở rộ nhiều ứng dụng gọi xe chở khách và đặt đồ ăn như tại Việt Nam.

Hai thị trường này đang được dự báo sẽ đạt qui mô 2 tỉ USD đối với dịch vụ gọi đồ ăn và 4 tỉ USD đối với dịch vụ gọi xe chở người vào năm 2025. Chính vì thị trường có qui mô có thể lên đến hàng chục tỉ USD với đa dịch vụ trên cùng một ứng dụng trên smartphone như thế cho nên không ít nhà đầu tư đã đổ tiền vào với kì vọng mang lại giá trị lớn hơn nhiều trong vài năm tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn