MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo được bày bán khá đa dạng tại chợ Bình Tây. Ảnh TK.

Thị trường vàng mã, cá chép nhộn nhịp trước ngày tiễn ông Táo về trời

TRẦN KHANH LDO | 16/01/2020 11:48

Vào mỗi dịp cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), thị trường vàng mã, cá chép tại các chợ truyền thống ở TP.Hồ Chí Minh như Chợ Bình Tây (quận 6), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1),… trở nên nhộn nhịp hơn hẳn.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, ngày 16.1 (tức 22 tháng Chạp), tại chợ Bình Tây các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo được bày bán khá đa dạng, chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống quen thuộc như quần áo, nón, nến, cá chép giấy, nhang, tiền vàng. Khách đến mua đồ lễ cũng rất tấp nập.

Chị Nguyễn Thị Xuân (45 tuổi) – tiểu thương bán hàng tại chợ Bình Tây cho biết: “Năm nay, giá cả các đồ hàng mã không có gì biến động, giá bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo (hài, nón, cá chép) thấp nhất từ 30.000 đồng, loại đẹp có thể lên tới 200.000 đồng tùy chất liệu và kích cỡ. Quần áo từ 15.000-25.000 đồng/bộ. Riêng tiền vàng, thỏi vàng thần tài nhỉnh hơn so với những ngày thường, lên khoảng 25.000 đồng.

Bộ đồ lễ đưa và đón ông Công, ông Táo được nhiều người dân chọn mua nhất. Ảnh TK. 

Còn tại chợ Bà Chiểu, giá cá chép vàng loại lớn phóng sinh ở mức 40 nghìn đồng/3 con, còn loại nhỏ có giá dao động từ 25-30 nghìn đồng/3 con. Giá mỗi sạp một khác, tùy vào màu sắc và kích thước cá. Bên cạnh đó, một số sạp bán cá chép còn có thêm loại cá Koi (cá chép Nhật Bản) được bán với giá 150 nghìn đồng/con.

Giá cá chép vàng loại lớn phóng sinh ở mức 40 nghìn đồng/3 con, còn loại nhỏ có giá dao động từ 25-30 nghìn đồng/3 con. Ảnh TK. 

Theo chị Nguyễn Mai Anh (36 tuổi) - tiểu thương chuyên kinh doanh vàng mã tại chợ Bà Chiểu, lễ cúng ông Táo năm nay rơi vào thứ sáu (ngày 17.1) nên nhiều người còn bận đi làm, phải tầm chiều thì mua bán mới đông đúc.

Ngoài ra, một số người cũng mua thêm biệt thự cao tầng, ôtô, xe máy, ti vi, tủ lạnh bằng giấy, nhựa để cúng ông Táo. Tuy nhiên, các mặt hàng truyền thống như vàng mã, quần áo lại bán chạy hơn nhiều.

Cá Koi có giá khá cao nên ít người tìm mua trong dịp cúng ông Công, ông Táo. Ảnh TK. 

Anh Ngô Quang Tuấn (34 tuổi, ở đường Hoàng Diệu, quận 4) cho hay: “Tranh thủ được nghỉ làm buổi sáng nên ghé qua chợ mua ít đồ lễ cúng ông Táo. Giá bán vàng mã, nón, ngựa và cá chép cũng không tăng nhiều. Một năm chỉ cúng ông Táo một lần nên có tăng đôi chút cũng không vấn đề gì”.

Các mặt hàng cúng ông Công, ông Táo truyền thống được nhiều người dân chọn mua. Ảnh TK. 

Theo phong tục cổ truyền của người Việt, ngày 23 tháng Chạp, ông Công và ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để trình báo những chuyện xảy ra trong gia đình người dân với Ngọc Hoàng. Đến đêm giao thừa, cả hai vị thần mới trở lại để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.

Vì vậy, hàng năm vào ngày này, người dân khắp cả nước đều chuẩn bị lễ với các vật phẩm, gồm cá chép sống, giấy tiền vàng mã, hoa tươi để ông Táo về chầu trời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn