MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thị trường Việt Nam cần thêm "bác sĩ" tài chính chất lượng

Đức Mạnh LDO | 22/06/2024 14:41

Khảo sát cho thấy Việt Nam vẫn chưa có nhiều người làm nghề tư vấn tài chính đem lại những tư vấn có giá trị cao. Trong khi tài chính cá nhân không chỉ là vấn đề nằm trong nội bộ mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự lành mạnh của hệ thống tài chính quốc gia.

Tài chính cá nhân có thể ảnh hưởng đến sự lành mạnh của tài chính quốc gia

Tại diễn đàn "Hoạch định tài chính cá nhân 2024 - Xu hướng nâng tầm chất lượng tư vấn tài chính" diễn ra hôm nay (22.6), ThS. Nguyễn Thùy Linh - Trưởng ban nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học Tài chính và Quản lý - cho biết tài chính cá nhân không chỉ là vấn đề nằm trong nội bộ mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự lành mạnh của hệ thống tài chính quốc gia. Thiếu kiến thức trong tài chính cá nhân có thể dẫn tới một số hệ lụy như tâm lý đầu cơ trên thị trường chứng khoán, người dân xếp hàng mua vàng vì thiếu những kênh đầu tư phù hợp, bẫy tín dụng đen, thiếu niềm tin vào sản phẩm bảo hiểm. Đặc biệt nhiều khảo sát cho thấy Việt Nam thuộc top quốc gia có người dân bị lừa đảo tài chính qua mạng.

Một trong những giải pháp được đưa ra là phát triển đội ngũ tư vấn tài chính. Họ sẽ góp phần xây dựng một bản kế hoạch và tài chính toàn diện, định kỳ kiểm tra tiến độ so với mục tiêu, cải thiện hiệu quả đầu tư, tối ưu thuế và cung cấp các khuyến nghị tài chính tổng quan.

Ông Han Nguyễn - Cố vấn Trưởng Giải pháp Quản lý Tài sản, Dragon Capital Vietnam - cho rằng thị trường cần “bác sĩ tài chính”. Tuy nhiên khảo sát cho thấy để tìm ra những tư vấn viên có giá trị, cung cấp giải pháp tài chính và đầu tư ngắn trung dài hạn tại Việt Nam thì thị trường chưa làm được. Các nhân viên chỉ tập trung bán hàng, hoàn thành chỉ tiêu chứ không quan tâm đến nhu cầu của khách hàng.

Diễn đàn “Hoạch định tài chính cá nhân 2024 - Xu hướng nâng tầm chất lượng tư vấn tài chính“. Ảnh: FIDT

Sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạch định tài chính cá nhân

Để những người hoạch định tài chính cá nhân phát triển đúng với tiềm năng và góp phần vào sự ổn định của thị trường chung, bà Nguyễn Thùy Linh nhấn mạnh giải pháp quan trọng là đổi mới tư duy nhận thức về nâng cao dân trí, quản lý và hoạch định tài chính cá nhân. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạch định tài chính cá nhân. Xây dựng và phát triển chương trình đào tạo về hoạch định tài chính cá nhân. Xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam. Tăng cường giáo dục, truyền thông nâng cao dân trí tài chính, hoạch định tài chính cá nhân.

Là đơn vị đào tạo, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT - cho hay: "Quy chuẩn hành nghề cần được ban hành, trong đó nêu bật về đạo đức. Đây là yếu tố xuyên suốt, đóng vai trò là nền tảng và đồng bộ thì nghề tư vấn tài chính mới có thể phát triển bền vững".

Theo các chuyên gia, đạo đức là tiêu chí quan trọng với mỗi người làm nghề hoạch định tài chính cá nhân. Ảnh: FIDT

Riêng với ngành chứng khoán - một trong những trụ cột quan trọng trong tài chính cá nhân, ông Trịnh Văn Điển – Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - đề cập đến giải pháp lấy nhà đầu tư là trọng tâm, trọng điểm.

Trong đó, cơ quan quản lý cần bổ sung và phân cấp khung năng lực của người môi giới, người tư vấn lập kế hoạch đầu tư giúp khách hàng nhận diện và đánh giá được chất lượng tư vấn. Với đơn vị giáo dục, bổ sung các chương trình đào tạo theo khung tiêu chuẩn của tư vấn lập kế hoạch đầu tư/hoạch định tài chính/quản lý gia sản chuyên nghiệp. Với định chế tài chính, bổ sung các chương trình đào tạo hoạch định tài chính cá nhân và quản lý gia sản. Phát triển có định hướng và lộ trình cho mảng quản lý gia sản, tránh chỉ có cái tên nhưng chất lượng thì không đúng làm lệch kỳ vọng của khách hàng và sự phát triển bền vững và thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn