MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thiên Đường Bảo Sơn báo lãi 469 tỉ đồng

Quang Dân - Đức Mạnh LDO | 07/06/2023 10:41

Với vốn góp chủ sở hữu 80 tỉ đồng, tính đến cuối năm 2022, Công ty TNHH MTV Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn - đơn vị vận hành Công viên Thiên đường Bảo Sơn (Hoài Đức - Hà Nội) đã tích lũy được lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 469 tỉ đồng.

Suất cơm sườn giá 120.000 đồng, vé vào cửa 390.000 đồng

Câu chuyện về suất cơm sườn 120.000 đồng chỉ có một miếng sườn được bán tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động tại Nhà hàng SeaBay nằm trong Công viên nước thuộc Thiên đường Bảo Sơn, ngoài cơm sườn, một số món ăn khác như cơm gà, cơm bò niêm yết mức giá 120.000 đồng/suất... Nhân viên giới thiệu nhà hàng thuộc quyền quản lý và sở hữu của chủ đầu tư, chỉ mới khai trương dịp 30.4 - 1.5.2023.

Bài đăng về câu chuyện suất cơm sườn 120.000 đồng chỉ có 1 miếng sườn tại Thiên đường Bảo Sơn trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình.

Không chỉ có đồ ăn đắt, giá vé vào cổng cũng tăng cao. Cụ thể, từ tháng 6.2023, giá vé vào cổng đối với khách hàng cao trên 1m3 là 390.000 đồng/vé và 320.000 đồng/vé cho khách cao từ 1 - 1,3 m.

Trước đó, từ ngày 1.6 - 31.7.2022, giá vé vào Thiên đường Bảo Sơn là 320.000 đồng/khách cao trên 1,3 m, còn với khách cao từ 0,9 m - 1,3 m là 270.000 đồng.

Bảng giá vào cửa Thiên đường Bảo Sơn, cập nhật tháng 6.2023. Ảnh: Chụp màn hình.

Hiện Công viên Thiên Đường Bảo Sơn được vận hành bởi Công ty TNHH MTV Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn - thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Bảo Sơn. Ông Nguyễn Trường Sơn là Chủ tịch HĐQT.

Công ty Thiên đường Bảo Sơn được thành lập tháng 2.2008. Theo cập nhật vào tháng 8.2020, địa chỉ trụ sở chính công ty tại đường Lê Trọng Tấn, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính của Thiên đường Bảo Sơn là hoạt động vui chơi giải trí khác chưa được phân vào đâu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1978) đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty.

Mỗi 100 đồng doanh thu, lãi gần 37 đồng

Tính đến cuối năm 2022, vốn góp chủ sở hữu Thiên đường Bảo Sơn đạt 80 tỉ đồng. Danh mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối xấp xỉ 469 tỉ đồng góp phần đưa vốn chủ sở hữu của Thiên đường Bảo Sơn đạt hơn 549 tỉ đồng.

Khoản lợi nhuận chưa phân phối lên đến gần 500 tỉ đồng cho thấy hoạt động kinh doanh của Thiên đường Bảo Sơn những năm qua rất tốt.

Đơn cử như năm 2021, doanh thu Công ty Thiên đường Bảo Sơn đạt khoảng 319 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 117 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) tại đây lên đến 36,6%, tương ứng với cứ 100 đồng doanh thu tạo ra, Thiên đường Bảo Sơn sẽ thu về gần 37 đồng lợi nhuận sau thuế.

Năm 2022, doanh thu công ty giảm còn 117 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 33 tỉ đồng, ROS cũng giảm từ 36,6% về còn 19,2%. Thế nhưng, với việc giá vé tăng mạnh so với những năm trước đó, cùng với khai trương thêm nhiều dịch vụ, Thiên đường Bảo Sơn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.

Bảng giá của một số địa điểm ăn uống tại Thiên đường Bảo Sơn. Ảnh: Đức Mạnh.

Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản Thiên đường Bảo Sơn đạt 957 tỉ đồng, biến động không đáng kể so với năm 2021. Đáng chú ý, khi tiền và các khoản tương đương tiền có hơn 60 tỉ đồng, tăng 67% sau 12 tháng; các khoản phải thu ngắn hạn gần 120 tỉ đồng; gần 216 tỉ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang; 23 tỉ đồng hàng tồn kho.

Nợ phải trả Thiên đường Bảo Sơn còn 407 tỉ đồng, chiếm phần lớn là phải trả nội bộ ngắn hạn với 354 tỉ đồng. Trong khi đó, vay nợ tài chính không đáng kể với chỉ 3,1 tỉ đồng.

Các khoản nợ chủ yếu là nợ nội bộ, một trong những nguyên nhân giúp chi phí lãi vay tại công ty được tiết chế, góp phần giúp lợi nhuận được tối ưu hoá. Dữ liệu tài chính cho thấy, trong cả năm 2021 và 2022, Thiên đường Bảo Sơn không ghi nhận chi phí lãi vay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn