MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giống lúa ngon nhất thế giới - ST25 được gieo trồng trên cánh đồng Buôn Chóah, Đắk Nông. Ảnh: Phan Tuấn

Thiếu chiến lược quốc gia cho các sản phẩm đặc hữu

Thanh Hải LDO | 01/08/2023 15:08

Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vừa tuyên bố tạm dừng xuất khẩu gạo. Quyết định này gây lo ngại về lạm phát giá lương thực thế giới. Nhiều người cho rằng đây cũng là cơ hội cho Việt Nam - một "cường quốc" xuất khẩu gạo. Nhưng cũng nhiều tiếc nuối vì gạo Việt kém thương hiệu...

Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản xuất và thứ 3 về xuất khẩu lúa gạo. Nhưng, cũng giống như cà phê, gạo Việt rất kém về thương hiệu, dẫn đến giá trị xuất khẩu không cao, dù chất lượng đã được nâng dần thời gian gần đây.

Năm 2019, gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới. Các năm tiếp theo lọt xuống top 2,3,4 của cuộc thi này. Năm 2022 thương phẩm gạo thơm TBR39 cũng được xướng tên cuộc thi "Gạo Việt Nam"...

Cái tên TBR39 hay ST25 đang minh chứng Việt Nam có sản phẩm tốt, nhưng cách đặt tên thì dở tệ và đầy sai lầm. Cường quốc xuất khẩu gạo thì tên một giống lúa cần phải xem xét trên bình diện toàn cầu, để khi tên gọi được xướng lên, thì biết ngay tính chất, đặc điểm, xuất xứ của giống lúa đó.

Từ cách đặt tên, có thể thấy Việt Nam đang thiếu một chiến lược cho sản phẩm lúa gạo. TBR39, ST25 đang được tung hô là một sản phẩm quốc gia. Nhưng nếu có một tên khác, được đánh giá đa diện, nhiều mặt về một giống lúa từ thị trường, thương hiệu, bảo hộ giống, các quyền thương mại... thì có thể đã có một sản phẩm thương hiệu vang dội hơn cho Việt Nam.

Cũng như sâm Ngọc Linh - báu vật quốc gia đang mua bán với giá từ 60-70 triệu đồng/kg đến hàng trăm triệu/kg. Giới khoa học tự hào Việt Nam có giống sâm tốt nhất thế giới. Quảng Nam, Kon Tum thì tự hào vùng đất của mình có sâm tốt nhất thế giới... Nhưng sâm Ngọc Linh chưa định vị được thương hiệu quốc tế. Người dân trồng sâm Ngọc Linh chưa có cuộc sống thịnh vượng, xứng xưng danh sâm tốt nhất thế giới. Chính quyền chưa thu được nhiều thuế, bởi các doanh nghiệp phát triển sâm vẫn đang hoạt động trong khu vực huyện, tỉnh, chưa bước chân ra thế giới.

Những quốc gia phát triển ở châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... cách đây 30 - 40 năm cũng có vị thế trên trường quốc tế như Việt Nam hiện nay. Nhưng nhờ chiến lược quốc gia đúng đắn, họ đã có những thương hiệu toàn cầu và có thể cạnh tranh với những thương hiệu toàn cầu.

Qua phim ảnh, âm nhạc, giới trẻ Việt Nam đang thần tượng nhiều ngôi sao Hàn Quốc. Xuất hiện sau sự hâm mộ đó là các xu thế về thời trang Hàn, mỹ phẩm Hàn; du lịch qua Hàn Quốc để tham gia vào các chương trình ca nhạc, gặp gỡ thần tượng, mua sâm Hàn Quốc về làm quà... Những việc này đã được lên chiến lược từ những năm 1980.

Nếu Việt Nam không xác định rõ các sản phẩm đặc hữu, có một chiến lược quốc gia, lâu dài, thì dù có lợi thế về xuất khẩu gạo với số lượng lớn, khi Ấn Độ tạm ngưng, thì cũng chỉ là lợi thế trước mắt, tạm thời.

Với điều kiện tự nhiên, địa hình phong phú, lại ở vùng nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều... Việt Nam có rất nhiều loại nông sản đặc hữu, các dược liệu quý. Xác định được đặc sản, nhưng cần phải xây dựng thương hiệu, định vị sản phẩm toàn cầu... bằng chiến lược quốc gia. Được vậy, thì chắc chắn đời sống nông dân Việt Nam sẽ nâng cao. Giá trị xuất khẩu gạo nói riêng và các loại nông sản, dược liệu nói chung của Việt Nam sẽ đình đám cả thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn