MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp không khỏi lo lắng. Ảnh: LĐ

Thiếu nguồn cung nguyên liệu: Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp khó

LAN NHI LDO | 14/05/2022 07:41

Nguồn cung nguyên liệu khan hiếm đang là một trong những vấn đề nổi cộm, khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, các đơn hàng bị đình trệ.

Ảnh hưởng không nhỏ 

Thiếu nguyên liệu cũng đang là bài toán nan giải với nhiều DN ngành gỗ hiện nay, bà Phan Thị Thanh Trúc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam - chia sẻ, hiện DN đang trong quá trình hồi phục thì gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào khiến sản xuất bị chững lại.

DN vừa phải tìm nơi cung cấp nguyên liệu thay thế, vừa đối mặt tình trạng giá nguyên liệu tăng phi mã. Trong tháng 4, nguồn gỗ dự trữ của DN vẫn còn để sản xuất, nhưng qua tháng 5 và tháng 6, khi gỗ nguyên liệu dự trữ tại các nhà máy hết, chắc chắn phải nhập khẩu số lượng lớn và giá cả có thể bị đẩy lên. Đến nay, nhà máy của công ty buộc phải thu hẹp sản xuất dù vẫn có đơn hàng.  

Thông tin từ Công ty Cổ phần Metect (Hưng Yên), hiện phía công ty đang có một đơn hàng inox đặc chủng đã bị trễ hạn giao hàng đã nửa tháng nay. Nguyên nhân là do đối tác cung cấp nguyên phụ liệu thông báo, nhà máy đang phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, đa số đơn hàng của công ty đã ứng tiền nên trong thời gian ngắn rất khó để đổi nhà cung cấp khác. Nếu không nhập khẩu được nguyên phụ liệu về sản xuất thì đơn hàng của công ty sẽ không giao kịp tiến độ, khách hàng có thể hủy hợp đồng. 

Một công ty chuyên vận chuyển nguyên liệu cho các tập đoàn điện tử lớn tại Việt Nam cũng cho biết, do vận chuyển bằng đường bộ gián đoạn, việc thông quan tại các cửa khẩu gặp khó khăn nên có thời điểm để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhiều DN FDI tại Việt Nam đã phải thuê nhiều chuyến bay riêng để vận chuyển linh kiện, thiết bị. Điều này làm cho chi phí của DN tăng lên, trong khi những DN vận tải lại đang thiếu việc làm trầm trọng.

Chủ động ứng phó

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trước mắt, các DN cần phải cầm cự sản xuất, giữ khách hàng, vừa đảm bảo tiến độ giao hàng.

Hiện một số DN cũng đang tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Ngoài ra, các DN cũng cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa, từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu. Đây là vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ, trong tháng 4.2022, về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, có gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 106,6 tỉ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...

Hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, DN kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu.

Bên cạnh đó, chỉ đạo nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử, quan tâm các DN vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu.

Trong dài hạn, Bộ Công Thương cũng định hướng, cần phải có giải pháp lâu dài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản, khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.

Ngoài việc hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường việc mở rộng các thị trường mới để giúp doanh nghiệp tránh phụ thuộc vào một thị trường ở chiều nhập và xuất khẩu, tận dụng có hiệu quả những lợi thế, cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn