MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chậm chạp trong chuyển đổi số ngăn cản người lao động thụ hưởng đầy đủ lợi ích của việc tham gia nền kinh tế số và phát huy tối đa tiềm năng của mình. Ảnh: Đức Mạnh

Thiếu tiền, một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể chuyển đổi số

Đức Mạnh LDO | 10/01/2023 19:18

Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gần 1/2 số doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoảng 1/3 số doanh nghiệp lớn ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi của Châu Á cho biết khó khăn về nguồn vốn là một rào cản chính trong chuyển đổi số.

Vật lộn vì chưa chuyển đổi số

COVID-19 ảnh hưởng đến tăng trưởng năng suất ở nhiều quốc gia Châu Á tiên tiến và đang phát triển. Xu hướng này thậm chí có thể trở nên trầm trọng hơn do đại dịch.

Điều thú vị là tăng trưởng năng suất trong khu vực đã chậm lại, ngay cả trước khi COVID-19 ập đến mặc dù nỗ lực đổi mới đã tăng lên, được đo bằng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và số lượng bằng sáng chế.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết: "Yếu tố then chốt trong sự mất kết nối này là sự phân hoá rõ nét trong tăng trưởng năng suất, đổi mới và số hóa giữa các ngành và trong các lĩnh vực.

Đổi mới nhanh chóng, nhất là gia tăng bằng sáng chế liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, cũng có thể "đóng băng" công nghệ trong một số doanh nghiệp và làm trầm trọng thêm sự phân hoá này".

Không những thế, khả năng tiếp cận công nghệ số tiên tiến có sự không đồng đều ngay trong mỗi quốc gia, giữa các doanh nghiệp với nhau. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với nhiều rào cản trong tiếp cận, sử dụng công nghệ số.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức công bố báo cáo của IMF về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở châu Á nhằm tăng năng suất” vào ngày 10.1. Ảnh: Hương Dịu

Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gần 1/2 số doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoảng 1/3 số doanh nghiệp lớn ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi của Châu Á nhận thấy khó khăn về nguồn vốn là rào cản chính trong áp dụng công nghệ.

Mức độ số hoá thấp và những khó khăn trong tiếp cận, áp dụng công nghệ mới đã khiến các doanh nghiệp này phải vật lộn để làm việc từ xa hay bán hàng trực tuyến trong thời gian đại dịch. 

Đại dịch đã đẩy nhanh xu hướng chuyển đổi số trong khu vực. Ảnh: IMF

Bà  Era Dabla Norris - Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF đánh giá: "Tốc độ phát triển công nghệ chậm chạp giữa những doanh nghiệp tiên phong với những doanh nghiệp đi sau cũng làm sâu thêm khoảng cách.

Các hạn chế như khan hiếm lao động tinh thông công nghệ số, khả năng tiếp cận hạ tầng số không bình đẳng, các bất cập trong môi trường pháp lý đang cản trở việc chia sẻ thông tin cũng như niềm tin vào áp dụng công nghệ".

Chậm chạp trong chuyển đổi số cũng ngăn cản người lao động thụ hưởng đầy đủ lợi ích của việc tham gia nền kinh tế số và phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Ví dụ, Indonesia là một trong những quốc gia có tỉ lệ phát triển internet thấp nhất khu vực Đông Nam Á, với chỉ 1/4 tổng dân số sử dụng.

Còn ở Việt Nam và Bangladesh, mặc dù chi phí truy cập internet chỉ ở vừa phải, tốc độ kết nối internet lại thường chậm. 

Bà Era Dabla Norris - Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF. Ảnh: Đức Mạnh 

Nâng cao công nghệ số, chìa khóa để tối ưu năng suất

Việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, các ngành, và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất. 

Báo cáo của IMF về "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở Châu Á để thúc đẩy năng suất" đề xuất 3 ưu tiên cải cách. Đầu tiên là tăng cường hạ tầng số của quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và công nghệ.

Tiếp đó nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ số, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ ở nhiều quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động; khắc phục những hạn chế về nguồn vốn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt để giúp họ áp dụng công nghệ mới.

Việc tiếp cận tài chính dễ hơn sẽ giúp các nhà phát minh đẩy mạnh phát triển những sản phẩm mới.

Đặc biệt cần tối ưu việc áp dụng công nghệ mới thông qua đơn giản hoá các quy định quản lý Nhà nước phù hợp với ngành công nghệ số đang phát triển. Đồng thời cải thiện môi trường pháp lý (trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) và tạo thuận lợi cho thương mại số.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn