MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò quan trọng trong phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững. Ảnh: Đức Mạnh

Thiếu xếp hạng tín nhiệm, thị trường trái phiếu khó phát triển lành mạnh

Anh Kiệt LDO | 28/09/2023 06:28

Theo các chuyên gia, muốn kênh phát hành trái phiếu ra công chúng phát triển thì các bảng xếp hạng tín nhiệm phải tốt và phổ biến. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của nền kinh tế.

Giảm lãi vay nhờ có xếp hạng tín nhiệm

Xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp có thể hiểu đơn giản là việc “dán nhãn” hàng hóa trong siêu thị, giúp bên mua và bên bán tiện lợi hơn trong giao dịch. Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup, Tổng Giám đốc FiinRatings - chia sẻ: "Nhờ được xếp hạng tín nhiệm, một doanh nghiệp từ việc phải đi vay vốn ngân hàng lãi suất 15%/năm có thể huy động 2.000 tỉ đồng với lãi suất chỉ 11%".

Về lâu dài, việc xếp hạng tín nhiệm là điều kiện bắt buộc và trợ thủ đắc lực nếu muốn khơi thông kênh phát hành trái phiếu đại chúng. Bởi vốn dĩ trái phiếu là một sản phẩm tài chính phức tạp, có vòng đời kéo dài nên không phải nhà đầu tư nào cũng có thể đánh giá đúng trong quyết định lựa chọn xuống tiền.

"Muốn kênh phát hành trái phiếu ra công chúng phát triển thì xếp hạng tín nhiệm phải tốt và phổ biến. Quỹ đầu tư có thể phản ứng kịp thời loại bỏ trái phiếu khi doanh nghiệp "rớt hạng" theo tiêu chí đặt ra trong danh mục. Do thiếu điều này nên thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay vẫn còn ở thuở sơ khai" - bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng Giám đốc PVIAM - cho biết.

Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Khang - Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings - nói: "Nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư hiện nay rất lớn nhưng thị trường lại "khát" thông tin. Do đó chúng ta cần để minh bạch thông tin qua các hạ tầng mềm như xếp hạng tín nghiệm hoặc các chuẩn về công bố thông tin".

Bên cạnh xếp hạng tín nhiệm, sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ vừa đi vào vận hành cũng giúp thị trường trở nên minh bạch hơn. Ảnh: Đức Mạnh

Điểm tựa để thị trường vốn phát triển

Khi đánh giá thị trường nội địa, xếp hạng tín nhiệm nội địa có dải điểm rộng hơn mà không bị giới hạn bởi mức trần xếp hạng quốc gia bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Nhà đầu tư nhờ đó có thể phân loại được cụ thể và rõ ràng hơn giữa chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam để đưa ra các phương án quản trị đầu tư và rủi ro hiệu quả.

Thị trường xếp hạng tín nhiệm nội địa Việt Nam vẫn chưa phát triển khi chỉ có số ít đơn vị đứng ra kiểm định cũng như ít doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. Tại các thị trường vốn lớn như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia... số lượng các doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm chiếm tỉ lệ lớn. Thậm chí các quỹ hưu trí tại Thái Lan chỉ được đầu tư vào trái phiếu của những doanh nghiệp đã được xếp hạng.

Tuy nhiên Nghị định 08 đã hoãn quy định bắt buộc về xếp hạng tín nhiệm. Do đó những người tham gia thị trường kỳ vọng sẽ có lộ trình để bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, thành kênh huy động vốn trung, dài hạn chính của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quang Thuân nhận định: “Xếp hạng tín nhiệm độc lập sẽ có ý nghĩa cho sự hồi phục và phát triển thị trường vốn nếu như được sử dụng rộng rãi bởi các nhà đầu tư, không chỉ những nhà đầu tư đại chúng hay cá nhân mà đặc biệt là các định chế tổ chức tài chính. Trong bối cảnh các quy định pháp lý còn chưa được áp dụng như thông lệ các thị trường trong khu vực và trên thế giới thì việc chủ động hợp tác giữa các thành viên thị trường sẽ từng bước góp phần phát triển bền vững của thị trường vốn Việt Nam".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn