MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là một trong những DN nhà nước phải thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Ảnh: H.N

Thoái vốn hàng trăm doanh nghiệp Nhà nước: Giải bài toán để ngân sách thu về 65.000 tỉ đồng

Nhóm Phóng viên LDO | 23/08/2017 06:25
406 lượt doanh nghiệp sẽ phải thoái vốn từng phần từ nay tới năm 2020 đã được Chính phủ lên danh sách. Nếu thực hiện tốt việc này, Nhà nước sẽ có thêm khoản thu dự kiến lên tới 65.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tại hội thảo “Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra sáng 21.8, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, rào cản lớn nhất trong thoái vốn doanh nghiệp chính là khối nợ “khủng” của các Tập đoàn, TCty lớn.

Tin tốt cho thị trường

Mục đích của việc ban hành Danh mục này nhằm đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc bảo đảm nguồn thu cho phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.

Theo Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 trong vòng 4 năm từ 2017-2020, việc thoái vốn sẽ được triển khai 406 lượt DN, trong đó nhiều DN được tổ chức thoái vốn nhiều lần chia theo từng giai đoạn. Tổng cộng có 9 bộ, ngành Trung ương cần phải tổ chức thoái vốn, trong đó Bộ Xây dựng phải tổ chức thoái vốn nhiều nhất với 18 lượt DN. Ở cấp địa phương, thành phố Hà Nội là đơn vị phải tổ chức thoái vốn nhà nước nhiều nhất khi phải thực hiện tại 34 lượt DN. Mục tiêu nhằm giúp thu về 65.000 tỉ đồng. Ngay trong năm 2017 có thể thu về 19.000 tỉ đồng.

Nhiều năm qua, công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại các DNNN thực hiện rất trì trệ, tiến độ vô cùng chậm chạp và phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Ví dụ từ năm 2003-2008 mục tiêu cắt giảm 1.538 DNNN nhưng thực tế chỉ thực hiện được khoảng 20%. Để “xốc lại” công tác CPH DNNN, tháng 12.2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra Quyết định 58 nhằm giảm bớt tỉ lệ vốn nhà nước tại một số ngành nghề nhất định, đồng thời xây dựng lộ trình CPH với những tỉ lệ vốn được xác định rất rõ ràng với mục tiêu CPH 137 DN.

Việc thúc đẩy thoái vốn nhà nước là một tin cực tốt với thị trường, nhất là trong danh sách các DN sẽ thoái vốn có hàng loạt cái tên được các nhà đầu tư đón đợi như: TCty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, TCty Cảng hàng không Việt Nam, TCty Xây dựng Hà Nội, TCty Dược Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…nhưng những thách thức từ công tác này cũng không hề nhỏ, trong đó bao gồm cả việc gia tăng phân bổ cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân và khuyến khích các chính quyền địa phương tăng tốc tham gia vào quá trình CPH.

Xác định được khó khăn, ngay trong Quyết định 1232 đã khẳng định ngoài việc phải tuân thủ pháp luật, các bộ, ngành, địa phương được phép “chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại DN để đẩy nhanh tiến độ và tăng tỉ lệ thoái vốn so với tỉ lệ hằng năm tối thiểu đã được phê duyệt”.

Thậm chí, Quyết định 1232 còn cho phép cơ chế “bổ sung thêm DN thực hiện thoái vốn sớm hơn”, chỉ cần đảm bảo công khai, minh bạch, và hiệu quả. Như vậy, cơ chế chủ động đã được xác định rõ ràng, việc còn lại là các đơn vị thực hiện, nắm bắt và vận dụng để áp dụng vào thực tế tới đâu.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực ASEAN của HSBC - Noelan Arbis nhận định: “Việt Nam đang thể hiện tinh thần quyết tâm “xốc lại” quá trình CPH các DNNN, đặc biệt khi nợ công của Việt Nam ngày càng gia tăng. Chính phủ hy vọng tăng cường CPH sẽ dẫn đến thu nhập nhiều hơn và giảm bớt gánh nặng tài chính.

Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng do việc cải cách DNNN vẫn còn rất nhiều thách thức. Mặc dù đã đi đúng hướng, nhưng vẫn có những rủi ro hữu hình khiến Chính phủ có thể bỏ lỡ mục tiêu thâm hụt ngân sách 3,5% cho năm 2017, trừ phi là Chính phủ có khả năng kiềm chế chi tiêu trong ngắn hạn.

Chúng tôi tin rằng quá trình CPH DNNN không phải là một giải pháp ngắn hạn để giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ nhưng có thể là một nguồn cấp kinh phí đáng tin cậy thông qua tiếp tục cải cách” - chuyên gia HSBC cho biết.

Nhiều DNNN thua lỗ, phá sản trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Trong ảnh: Dự án Ethanol Phú Thọ đang chờ “khai tử”. Ảnh: Đ.T

Làm sao thu đủ 65.000 tỉ đồng?

Các chuyên gia kinh tế nhận định, con số 65.000 tỉ đồng không phải quá khó khăn để Nhà nước có thể thu về được sau quá trình thoái vốn. Vấn đề ở chỗ, con người để thực hiện các nhiệm vụ ấy phải thực sự nghiêm túc.

Chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân nêu ý kiến: “Chính phủ và các bộ, ngành phải quyết tâm rất cao để thực hiện bằng được vấn đề thoái vốn. Cần tập trung thoái vốn tại những DN sản xuất tiêu dùng, sản xuất vật liệu không nằm trong nhóm nguyên vật liệu cơ bản. Cái khó hiện nay cản trở DN chúng ta chưa tách quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh. Có như vậy, việc thoái vốn mới không vấp phải sự cản trở bởi “lợi ích nhóm”.

Sáng 21.8, tại hội thảo “Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi CPH và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, TS Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) - cho biết, năm 2016, kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi CPH của 7 DN, KTNN đã xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỉ đồng; đồng thời đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất… cũng như các tồn tại trong cơ chế, bất cập trong định giá và xử lý các vấn đề tài chính.

Để khắc phục hạn chế này, TS Trần Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tài chính - cho rằng, cần hoàn thiện phương pháp định giá theo hướng áp dụng thêm một số phương pháp định giá mới, tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường nhằm hoàn thiện các phương pháp xác định giá trị, đồng thời phải tăng cường trách nhiệm và chất lượng của công tác tư vấn định giá DN CPH.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng “rào cản lớn nhất trong thoái vốn DN là khối nợ “khủng” của các Tập đoàn, TCty lớn; khung pháp lý chưa hoàn thiện và một vấn đề nổi cộm không thể không đề cập là vấn đề “lợi ích nhóm”. Do đó, trong quá trình tái cơ cấu DNNN cần lưu ý nhanh chóng loại bỏ tình trạng kinh doanh ngoài ngành, đầu tư dàn trải và kém hiệu quả”.

Lộ trình thoái vốn

Tổng số lượt DN mà Nhà nước sẽ thoái vốn là 406 lượt DN Năm 2017 phải thoái ở 135 DN Năm 2018 thoái ở 181 DN Năm 2019 thoái ở 62 DN Năm 2020 thoái ở 28 DN Một số doanh nghiệp phải thoái vốn lớn: TCty Mía đường II (thoái 92,98%); Cty CP Tài nguyên Môi trường biển (thoái 85,17%); TCty cổ phần Sông Hồng (73%); Cty CP Đầu tư và XD Bình Định (99,03%)…

Điểm qua một số DNNN lớn trong danh sách này cho thấy, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Công Thương) phải thoái 52,47% tỉ lệ vốn tối thiểu (so với vốn điều lệ) trong năm 2017 và tới năm 2020 DN này sẽ phải thoái tiếp 36% nữa.

Ở Bộ Giao thông vận tải, TCty Cảng hàng không Việt Nam cũng phải thoái vốn hai lần. Lần đầu tiên sẽ thoái 20% tỉ lệ vốn tối thiểu vào năm 2018 và tới năm 2020 sẽ thoái tiếp 10,40%. Còn TCty Hàng không Việt Nam sẽ thoái một lần, tối thiểu 35,16% vào năm 2019…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn