MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thoát huỷ niêm yết, cổ phiếu Vietnam Airlines vẫn thuộc diện kiểm soát

Gia Miêu LDO | 02/06/2022 15:37
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cho biết quyết định giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, lý do HVN thuộc diện kiểm soát là theo quy định kèm theo quyết định ngày 31.03.2022 của HOSE. Mới đây, Vietnam Airlines vừa thông báo chuyển nhượng 35% cổ phần tại Cambodia Angkor Air (K6) và thu về 35 triệu USD từ thương vụ này.

Sau thương vụ, Vietnam Airlines chỉ còn sở hữu 14% vốn tại Cambodia Angkor Air và do đó, khoản này được ghi nhận ở mục đầu tư vào đơn vị khác.

Theo thuyết minh tại báo cáo kiểm toán riêng năm 2021, Vietnam Airlines cho biết vào ngày 03.01.2022 và 29.03.2022, họ đã nhận các khoản tiền lần lượt là 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp của Vietnam Airlines tại Cambodia Angkor Air (K6) năm nay.

Trước đó, vào năm 2019, Vietnam Airlines đã nhận khoản đặt cọc trị giá 1 triệu USD. Tổng cộng, Vietnam Airlines thu về 35 triệu USD từ việc thoái 35% vốn tại Cambodia Angkor Air.

Tuy nhận tiền trong năm 2022 nhưng Vietnam Airlines đã ghi nhận doanh thu tài chính từ thương vụ chuyển nhượng này trong báo cáo hợp nhất năm 2021, cụ thể là gần 648 tỉ đồng.

Đây cũng là lý do giúp Vietnam Airlines ghi nhận vốn chủ sở hữu dương hơn 500 tỉ đồng tại cuối năm 2021 và thoát án hủy niêm yết bắt buộc. Tuy vậy, nguy cơ hủy niêm yết vẫn còn đeo bám khi hãng hàng không quốc gia âm vốn chủ sở hữu trong quý 1/2022. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 vừa công bố, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ ròng 12.907 tỉ đồng, giảm nhẹ so với số lỗ 13.338 tỉ đồng đã ghi nhận trong báo cáo tự lập.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu trong báo cáo đã kiểm toán năm 2021 vẫn dương 524 tỉ đồng, nhỉnh hơn mức 507 tỉ đồng trong báo cáo tự lập. Điều này có nghĩa cổ phiếu HVN sẽ không bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE.

Trong báo cáo, các kiểm toán viên Deloitte lưu ý tới 2 vấn đề quan trọng đang ảnh hưởng tới hoạt động của Vietnam Airlines.

Cụ thể, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 29.838 tỉ đồng, phải trả quá hạn 15.779 tỉ đồng, dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm 6.759 tỉ.

Đồng thời, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.

Nguy cơ hủy niêm yết của hãng hàng không quốc gia vẫn còn đó, khi khoản lỗ nặng trong quý 1/2022 đẩy vốn chủ sở hữu xuống mức âm hơn 2.000 tỉ đồng. 

Nếu tình trạng âm vốn chủ sở hữu vẫn kéo dài tới cuối năm, hãng hàng không quốc gia có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.

Trước đó, Vietnam Airlines vừa thoát cảnh âm vốn chủ sở hữu nhờ được bơm gần 8.000 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn