MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người nộp thuế thu nhập cá nhân chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi một người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh. Đồ họa: Đức Mạnh

Thời điểm đăng ký giảm trừ người phụ thuộc để tối ưu thuế thu nhập cá nhân

Đức Mạnh LDO | 11/06/2024 06:30

Theo chuyên gia, nên đăng ký bổ sung người phụ thuộc sớm nhất có thể hoặc theo thời hạn thông báo từ công ty để đảm bảo tất cả hồ sơ người phụ thuộc được đăng ký thành công trước thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm.

Hiểu đúng về người phụ thuộc khi giảm trừ thuế thu nhập cá nhân

Trong các phương án mà người nộp thuế có thể sử dụng để giảm trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tiền lương, tiền công, đăng ký giảm trừ người phụ thuộc được xem là cách giảm thuế tối ưu nhất hiện nay. Theo bà Đặng Nguyễn Thanh Huyền - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT, người phụ thuộc được hiểu là người mà đối tượng nộp thuế TNCN có trách nhiệm nuôi dưỡng. Chia ra 2 nhóm đối tượng như sau:

- Con (Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ/chồng), với điều kiện: Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng); Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động; Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con 18 tuổi trở lên đang học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học), không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng

- Vợ, chồng, cha mẹ (cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi hợp pháp, cha mẹ vợ/chồng, cha dượng, mẹ kế) và các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng (ông bà nội ngoại, anh chị em ruột, cô dì chú bác cậu ruột, cháu ruột…).

Với trường hợp trong độ tuổi lao động là khuyết tật, không có khả năng lao động; không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.

Với trường hợp ngoài độ tuổi lao động, tức đã đến tuổi hưu theo quy định của pháp luật hiện hành, phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.

Người khuyết tật, không có khả năng lao động ở đây được hiểu là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn...).

Theo bà Đặng Nguyễn Thanh Huyền, người phụ thuộc được hiểu là người mà đối tượng nộp thuế thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm nuôi dưỡng. Ảnh: Đức Mạnh

1 người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ cho 1 người nộp thuế trong năm tính thuế

Bà Đặng Nguyễn Thanh Huyền cho biết nên đăng ký giảm trừ người phụ thuộc ngay từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng để được giảm số tiền thuế TNCN phải đóng ngay từ tháng phát sinh, thay vì chờ đến thời điểm quyết toán cuối năm.

Trường hợp đã phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng chưa đăng ký giảm trừ, người nộp thuế vẫn có thể đăng ký bổ sung sau đó và vẫn sẽ được tính giảm trừ người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi thực hiện quyết toán thuế năm.

"Trên thực tế, chúng ta nên đăng ký bổ sung người phụ thuộc sớm nhất có thể hoặc theo thời hạn thông báo từ công ty (đối với cá nhân ủy quyền công ty đăng ký) để đảm bảo tất cả hồ sơ người phụ thuộc được đăng ký thành công trước thời hạn quyết toán thuế năm" - bà Huyền chia sẻ.

Vị chuyên gia lưu ý, 1 người nộp thuế có thể đăng ký giảm trừ nhiều người phụ thuộc nhưng một người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ cho 1 người nộp thuế trong năm tính thuế.

Ví dụ hai vợ chồng có 1 người con thì người con chỉ được đăng ký là người phụ thuộc cho bố hoặc mẹ. Nếu đã đăng ký cho bố mà muốn chuyển qua cho mẹ thì phải giảm trừ cho bố hết năm, sang năm sau mới được đăng ký lại là người phụ thuộc của mẹ.

Đồng thời, người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi một người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh. Trường hợp người nộp thuế thay đổi nơi làm việc thì phải thực hiện đăng ký lại người phụ thuộc tại nơi làm việc mới.

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ Năm hằng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả.

Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn