MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo hiểm tiền gửi nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, hỗ trợ cho quá trình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG. Ảnh minh hoạ

Thời điểm phù hợp để tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi

Trang Hoàng LDO | 23/11/2020 16:10

Việc tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) nhưng không kèm theo việc tăng phí BHTG sẽ là một nỗ lực của hệ thống ngân hàng và tổ chức BHTG để nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, hỗ trợ cho quá trình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện hành chỉ bằng 1,25 lần GDP bình quân đầu người năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 2 lần theo thông lệ quốc tế. Do đó, nếu nâng mức BHTG lên 125 triệu đồng, gấp 2 lần GDP bình quân đầu người thì tỷ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của BHTGVN đã tăng đáng kể trong thời gian vừa qua. Tính đến ngày 30.9.2020, tổng tài sản của BHTGVN đạt hơn 68 nghìn tỉ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 61 nghìn tỉ đồng. Với nguồn vốn này, BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

“Với triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung hạn của Việt Nam và sự gia tăng đáng kể về năng lực tài chính BHTGVN, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG là hoàn toàn khả thi và cần thiết để bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các TCTD Việt Nam và tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Đến nay, có nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô đã khác, việc điều chỉnh hạn mức BHTG theo hướng tăng lên để phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam đã được NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ nâng lên mức 125 triệu đồng. “Đây là mức độ bảo vệ phù hợp, khi năng lực tài chính của tổ chức BHTG có thể ứng phó trong trường hợp xảy ra rủi ro, đảm bảo chi trả kịp thời cho người gửi tiền nếu phát sinh nghĩa vụ. Đặc biệt, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế cũng sẽ gánh chịu áp lực lớn” – Lãnh đạo NHN cho biết thêm.

Những năm đầu chính sách BHTG được triển khai tại Việt Nam, hạn mức BHTG (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng. Đến năm 2005, hạn mức này được điều chỉnh lên 50 triệu đồng. Theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 5.8.2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75 triệu đồng.

Mặc dù đã trải qua hai lần điều chỉnh, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay vẫn còn thấp và không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quy mô của hệ thống các TCTD cũng như nguyện vọng của người dân.

Theo Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (2014) và Hướng dẫn của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền.

Trong số 54 tổ chức BHTG tính toán tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ, có 44 tổ chức (chiếm 81%) bảo vệ toàn bộ trên 90% người gửi tiền được bảo hiểm. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Việt Nam đang là 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị của IADI.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn