MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giữ chân người tiêu dùng ở lại với thói quen không dùng tiền mặt là việc đáng quan tâm. Ảnh: L. Toàn

Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt thay đổi nhiều sau dịch COVID-19

Gia Miêu LDO | 19/11/2021 14:41

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành thói quen của người tiêu dùng, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần làm để thuyết phục được người tiêu dùng “ở lại” với các dịch vụ.

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi mọi khía cạnh đời sống. Không nằm ngoài xu thế chung, thị trường thanh toán cũng đã thay đổi nhiều. Tại Hội thảo “Tiến tới quốc gia không tiền mặt” được tổ chức ngày 19.11 trong khuôn khổ Chương trình “Ngày không tiền mặt”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị và qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị.

Báo cáo của NHNN cũng cho thấy số liệu tăng trưởng, cụ thể, thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hàng năm, 90% về số lượng và 150% về giá trị, nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số. Chỉ từ tháng 3.2021 đến nay, đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Lưu Tuấn Nghĩa - Giám đốc Phát triển kinh doanh mảng chấp nhận thanh toán - Visa Việt Nam cho biết tần suất thanh toán bằng tiền mặt giảm đáng kể từ đại dịch COVID-19 và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn nữa trong tương lai. Người Việt ngày càng có nhiều thiện cảm đối với thanh toán không tiền mặt và đang cố gắng chuyển đổi hết các giao dịch sang hình thức thanh toán không tiền mặt.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ cần trả lời được câu hỏi sẽ làm gì để thuyết phục người tiêu dùng “ở lại” với thói quen thanh toán không tiền mặt khi dịch đi qua. Minh chứng cho nhận xét trên, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, thanh toán của người tiêu dùng tại hệ thống Saigon Co.op trong suốt mùa dịch vừa qua. Từ tỉ trọng 4% khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op thì trong dịch COVID-19 đã tăng vọt lên 40%, nhiều thời điểm lên đến 50%. Tuy nhiên, sau khi dịch đi qua thì tỉ lệ này chỉ còn đạt mức bình quân 10%. Sự thay đổi cho thấy thách thức để thói quen thanh toán không tiền mặt còn rất nhiều. 

Khảo sát mới nhất của Saigon Co.op đã chỉ ra những trở ngại đang ảnh hưởng đến thói quen này của người dùng. Có đến 28% người dùng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa thực sự tiện lợi trong khi các điểm chấp nhận thanh toán chưa nhiều, chưa đa dạng. Có đến 27% người dùng vẫn còn nhiều băn khoăn về các thông tin liên quan đến thanh toán không tiền mặt. Chính vì vậy, để duy trì được tỷ lệ thanh toán không tiền mặt ổn định khoảng 10-11% như hiện tại, ông Đức cho rằng cần có sự chủ động giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và nhà cung ứng dịch vụ.

Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ... Triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn