MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thời tiết khắc nghiệt, người trồng hoa kiểng Cần Thơ thấp thỏm vụ hoa Tết

PHƯƠNG LINH LDO | 28/12/2022 13:30
Những ngày cuối tháng 12, người trồng hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán 2023 tại TP Cần Thơ luôn trong tình trạng thấp thỏm vì lo thời tiết khắc nghiệt, chi phí sản xuất tăng, gây thất thu vụ hoa Tết.

Thiệt hại nặng nhất 10 năm qua

Năm nay, người trồng hoa gặp rất nhiều khó khăn vì thời tiết bất thường. Mưa nhiều kết hợp triều cường khiến nhà vườn tốn thêm chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến chất lượng hoa Tết.

Gắn bó với nghề trồng hoa kiểng đã 17 năm, ông Trần Văn Sê (Phường Long Hòa, Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết, năm trước, ông trồng khoảng 1.500 chậu hoa, còn năm nay tăng lên gấp đôi là 3.000 chậu nhưng lại bị hao hụt nhiều.

Trong số 3.000 chậu thì chỉ sống khoảng 70%, mà trong 70% đó thì có khoảng 20% là bị hư, xấu, không đạt, chỉ còn lại khoảng 50% chậu hoa đẹp có thể bán được.

 Ông Trần Văn Sê chăm chút từng chậu hoa. Ảnh: Yến Phương

Theo ông Sê, vụ hoa năm nay bị thiệt hại nặng nhất so với 10 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết khắc nghiệt, những năm trước cũng có mưa nhưng lượng nước mưa vừa nên người làm vườn xử lý được, còn năm nay mưa lớn, nước nhiều gây ngộp rễ chết cây, những cây còn lại thì phát triển không đồng đều và không đẹp bằng mọi năm.

Thời gian qua, ông Sê đã phải xử lý thuốc liên tục và chăm sóc kỹ mới giữ được hoa. Tuy nhiên, chi phí tăng lên rất nhiều mà chất lượng hoa vẫn không được đảm bảo.

“Riêng 200 chậu cúc “chân dài” năm nay không phát triển cao được, thay vì cao 1,4m như năm trước thì năm nay bị thấp hơn 10cm, kèm thêm mưa nhiều dẫn đến dư nước, nhiều cây hoa cúc hư rễ, chết và ít bông”, ông Sê nói.

Chi phí tăng nhưng giá lại giảm

Hiện nay, các nhà vườn trồng hoa Tết đang thuê những nhân công để tuyển hoa, đây là giai đoạn tăng tốc để chăm sóc cho hoa nở kịp tiến độ và đạt chất lượng phục vụ Tết.

Các nhân công đang tăng tốc tuyển hoa Tết. Ảnh: Yến Phương 

Bà Nguyễn Thị Bơ (Phường Long Hòa, Quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) chia sẻ, trong khoảng từ ngày 10 - 30.11 âm lịch là thời cao điểm nên vườn hoa của bà phải thuê thêm nhân công để lặt “chèo” (những nụ nhỏ), cắt bỏ những phần hư, xấu và chừa lại nụ cái, nụ đẹp.

Công đoạn này phải lặt sạch để hoa nở to đẹp, phát triển đồng đều và đạt hiệu quả, bởi nếu bị sót lại thì hoa sẽ bị to, nhỏ không đồng đều.

 Đôi tay thoăn thoắt lặt "chèo" của những người làm vườn. Ảnh: Yến Phương

“Ngoài chi phí sản xuất tăng thì tiền thuê nhân công năm nay cũng tăng cao hơn, trong khi năm trước, mỗi nhân công chỉ 200.000 đồng/ngày thì năm nay lên 230.000 đồng/ngày. Do đó, chi phí thuê nhân công cũng nặng hơn nhiều so với những năm trước”, bà Bơ nói.

Đối với vườn hoa của ông Sê, hiện ông đang thuê 5 nhân công, cũng với giá đó, tính ra mỗi ngày, chi phí thuê nhân công của ông là 1,150 triệu đồng.

Theo ông Sê, do chất lượng hoa năm nay không đạt bằng những năm trước nên ông hạ giá một số mặt hàng. Trong đó, cúc "chân dài" Tết năm 2022 có giá bán từ 300.000 – 500.000 đồng/chậu thì năm nay mỗi chậu chỉ từ 300.000 đồng trở xuống. Còn cúc Đài Loan sẽ bán với giá từ 150.000-200.000 đồng/chậu.

“Với tình trạng này, tôi cũng như các chủ nhà vườn khác đều đang thấp thỏm lo lắng. Bởi tới thời điểm này, các thương lái vẫn chưa tìm đến đặt hàng, nguy cơ dội chợ mặt hàng hoa Tết.

Hơn nữa, mọi chi phí tăng nhưng giá bán hoa hiện nay đang khá thấp, người làm vườn chúng tôi chỉ mong sao từ đây tới Tết, giá hoa tăng lên để người dân được nhờ, hy vọng có một cái Tết ấm no cùng gia đình”, ông Sê bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn