MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thống đốc Ngân hàng lý giải vì sao không điều chỉnh room tín dụng, lãi suất

Nhóm PV LDO | 01/06/2023 12:20

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc điều hành lãi suất cần được xem xét tổng thể trong bức tranh điều hành kinh tế vĩ mô, đảm bảo đại cục, sự vận hành ổn định của hệ thống ngân hàng. 

Sự kiện rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB - chưa từng có trong lịch sử

Phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, vấn đề điều hành lãi suất cần được xem xét tổng thể trong bức tranh điều hành kinh tế vĩ mô, đảm bảo đại cục, sự vận hành ổn định của hệ thống ngân hàng. 

Theo bà, năm 2022, có 2 lý do quan trọng chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn. Đó là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Trong khi đó, ở trong nước, mặc dù bình quân lạm phát năm 2022 tăng ở mức 3,15% (thấp hơn so với mục tiêu), nhưng vẫn cao hơn mức 1,84% của năm 2021.

Đặc biệt, nửa cuối năm 2022, lạm phát có xu hướng tăng nhanh, theo từng tháng, thời điểm cuối năm, mức lạm phát tăng đến 5% so với cùng kỳ. Vì vậy, khi điều hành không thể chủ quan với lạm phát.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, áp lực mất giá của đồng Việt Nam trong năm 2022 rất lớn khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng đô la tăng giá mạnh.

"Vào tháng 10.2022, áp lực mất giá với đồng Việt Nam lên tới mức 9%. Nếu như chúng ta để đồng Việt Nam mất giá trên 10% sẽ không thể tượng tưởng được chuyện gì sẽ xảy ra, doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn vì mức thâm hụt hàng năm của doanh nghiệp rất lớn, phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ bên ngoài" - bà nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội 

Khi ổn định tỉ giá đồng Việt Nam trở lại, lạm phát tăng chậm lại, những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm còn 0,9% bình quân so với cuối năm 2021.

Đối với việc điều hành tín dụng, bà Hồng nhắc lại sự kiện rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB - chưa từng có trong lịch sử, nguy cơ tác động lan truyền đến hệ thống ngân hàng rất lớn.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước tập trung ưu tiên ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi trả cho người dân. Như vậy, không thể điều chỉnh room tín dụng vào tháng 10.2022. Song, sau khi thanh khoản trở lại, Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.

Với những biến động của các ngân hàng Mỹ trong thời gian vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ưu tiên đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là lựa chọn đúng đắn.

Những giải pháp, liều lượng và thời điểm của chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng để tập trung hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Giải ngân gói 120.000 tỉ để xây 1 triệu căn nhà ở xã hội

Về phía các tổ chức tín dụng, bà Hồng cho rằng, những tháng đầu năm 2023, dư địa về room tín dụng rất thoải mái, không bị chặn, thanh khoản hệ thống dư thừa. Do vậy, không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi trả lãi cho người gửi tiền - khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay.

Điều này phải nhìn nhận từ phía nội tại bản thân doanh nghiệp. Bởi có nhóm doanh nghiệp thời điểm này rất khó khăn, không có đơn hàng, không có việc làm. Do vậy, bà Hồng cho rằng, nhóm doanh nghiệp này cần hướng đến khai thác thị trường nội địa 100 triệu dân.

Với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, bà Hồng cũng cho biết, "rất khó khăn sau đại dịch COVID-19" và cũng không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Vậy cần phải có giải pháp cải thiện điều kiện vay vốn qua các chính sách bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa vừa nhỏ.

Còn đối với lĩnh vực tín dụng bất động sản, theo bà, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này cao hơn so với lĩnh vực khác. Thế nhưng với những khó khăn của thị trường bất động sản trong thời gian qua, trong đó 70% khó khăn về pháp lý, giải pháp bây giờ phải tập trung vào tháo gỡ khó khăn về pháp lý; các doanh nghiệp phải rà soát điều chỉnh lại giá bất động sản thì mới gỡ khó được.

Đối với gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng, Thống đốc Ngân hàng cho rằng, "đây là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện tham gia, để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp". Chương trình này đến năm 2030, chứ không phải chỉ giải quyết trong năm 2022 hay năm 2023.

Nguồn vốn của chương trình do chính các ngân hàng huy động, lãi suất giảm từ 1,5% đến 2%. Ngân hàng Nhà nước chỉ hướng dẫn về lãi suất áp dụng trong thời gian ưu đãi.

"Nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp rất cao, nhưng nhu cầu vay là một vấn đề bởi vì quyết định vay mua căn hộ phải do người dân. Trong luật Nhà ở sẽ trình Quốc hội trong kỳ này có nội dung cho phép các doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân, đây là điểm tích cực để gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng tăng dư nợ giải ngân" - bà nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn