MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thông tư 16 sửa đổi khó tạo ra đột phá, vẫn cần thêm chính sách hỗ trợ

Đức Mạnh LDO | 05/04/2023 10:05
Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến đánh giá. Tuy nhiên kỳ vọng về sự tham gia trở lại của khối ngân hàng với giao dịch trên thị trường trái phiếu là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nhiều thách thức.

Kịp thời hỗ trợ dòng tiền cho trái phiếu 

Theo số liệu từ FiinGroup, quý II và quý III/2023 sẽ ghi nhận gần 150.000 tỉ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn. Trong khi đó, các ngân hàng đang nắm giữ trên 253.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương khoảng 29% giá trị trái phiếu đang lưu hành. Con số này thấp hơn mức khoảng 45% của năm 2021. 

Đồng nghĩa, dư địa cho các ngân hàng tăng thêm sở hữu trái phiếu qua hình thức mua lại vẫn còn, giúp khơi thông thế bế tắc về dòng vốn cho các doanh nghiệp phát hành. Do đó việc sửa đổi Thông tư 16 để tổ chức tín dụng mà cụ thể là các ngân hàng thương mại được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp được chuyên gia nhìn nhận là động thái tích cực để kịp thời hỗ trợ dòng tiền cho thị trường trái phiếu.

Chứng khoán BSC nhận thấy Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 có tính phối hợp với tinh thần của Nghị định 08, theo đó cho phép tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích bổ sung vốn lưu động.

Ngoài ra tổ chức tín dụng cũng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà trước đó đã bán ra đến trước 31.12.2023 nhằm gỡ áp lực do đã phân phối cho nhà đầu tư trong khi tổ chức phát hành không có khả năng mua lại. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng các tiêu chí chặt chẽ hơn về tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, tỉ lệ NPL, kiểm soát mục đích sử dụng vốn, doanh nghiệp không có nợ xấu... nhằm kiểm soát an toàn đối với hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp.

Chuyên gia cho biết: "Việc Ngân hàng Nhà nước mở đường cho tổ chức tín dụng tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm phần nào áp lực đáo hạn trong năm 2023. Tuy nhiên mức độ tác động đến thị trường này còn nhiều giới hạn và cần có giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành trong thời gian tới".

Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến đánh giá. Ảnh: Đức Mạnh 

Sửa đổi cần thêm hỗ trợ 

Theo góc nhìn của nhóm chuyên gia từ CTCP FIDT, dự thảo sửa đổi Thông tư 16 mang tính quản lý minh bạch và làm rõ các điều khoản hơn là tháo bỏ các điều kiện chặt chẽ. 

“Với bài học "cục máu đông" 2011 - 2012 còn đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó lòng sửa đổi các điều khoản liên quan đến quản lý chất lượng tín dụng. Dự thảo này đang phản ánh đúng những quan điểm này của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, với dự thảo này, hiện chúng tôi cho rằng, khó có sự đột phá cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp với trái chủ là ngân hàng. Do đây chỉ là Dự thảo đầu tiên nên sẽ còn nhiều góp ý thay đổi trước khi được ban hành chính thức" - chuyên gia đánh giá.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - đề xuất: "Trong hai năm 2023 - 2024, tổng giá trị trái phiếu đến hạn về bất động sản có thể lên đến 230.000 tỉ đồng. Cho nên chúng tôi đề nghị tạm ngưng thực hiện Điểm a, Khoản 8, Điều 4, Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước đến hết ngày 31.12.2024 để các doanh nghiệp có điều kiện đàm phán với các trái chủ về vấn đề xử lý trái phiếu đến hạn theo tinh thần, quy định của Nghị định 08".

Tuy nhiên điều khoản được các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng nhiều nhất này đã không được cân nhắc trong dự thảo.

Ngoài ra, dự thảo vẫn cấm không cho tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cho doanh nghiệp đi góp vốn, mua cổ phần hoặc mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác. Tức là bổ sung "mua phần vốn góp" (Khoản b, Điểm 8, Điều 4). Quy định này nhằm kiểm soát rủi ro mục đích sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu để đầu tư hoặc mua lại các công ty con hoặc công ty khác, vốn dĩ việc đầu tư cổ phần được xem là rủi ro hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn