MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thu hơn 4.100 tỉ đồng thuế nhà thầu từ Facebook, Google

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 29/07/2022 15:23

Ngày 29.7, chia sẻ tại hội thảo "Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới", Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết vấn đề kiểm soát dòng tiền, trong đó có các giao dịch qua tiền điện tử không hề dễ dàng. 

Theo ông Minh, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện cũng rất đa dạng như: Thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P),....

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh thương mại điện tử trong nước khó khăn hơn khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến. 

Đáng chú ý, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết việc kiểm soát các giao dịch bằng tiền điện tử để thu thuế cũng đang là vấn đề "thách thức" với cơ quan chức năng. 

"Một số trường hợp giao dịch bằng tiền điện tử chúng tôi đã phát hiện. Nhưng tiền điện tử chưa được pháp luật Việt Nam công nhận là phương tiện thanh toán. Kể cả họ có thu nhập bằng tiền điện tử nhưng việc cho phép nộp hay không, vấn đề pháp lý của nó vẫn đang được đặt ra." - ông Đặng Ngọc Minh nói. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh. Ảnh: Đ.T

Ngoài ra, đại diện Tổng cục Thuế cũng nêu ra một số vấn đề khó khăn trong thu thuế trên nền tảng số hiện nay. Đó là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp. Trong điều kiện nền kinh số, các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào dựa theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống, theo đó các quốc gia đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, trong khi doanh nghiệp, cá nhân có thể vận dụng các quy định để phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định từng nước. 

Ngoài ra, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Do chủ thể kinh doanh không cần đến của hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.

Toàn cảnh hội thảo về thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới. Ảnh: Đ.T.

Cũng tại cuộc hội thảo, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.458 tỉ đồng (số liệu lũy kế đến ngày 14.7), tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỉ/năm.

Tiêu biểu có một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook là 2.076 tỉ đồng; Google là 2.040 tỉ đồng; Microsoft là 699 tỉ đồng.

Kết quả sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21.3, đến nay đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netflix; Samsung; TikTok; eBay...) đã đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD.

"Như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong bốn nước đầu tiên Khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam" - phía Tổng cục Thuế cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn