MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các nhà đầu tư tại Nghệ An, ngày 19.2.2017. Ảnh: PV

Thu hút đầu tư, động lực phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An

QUANG HIỂN - QUỐC CƯỜNG LDO | 20/02/2018 07:56
2017 là năm then chốt đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghệ An thực hiện đạt và vượt 27/27 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kết quả cao nhất trong vòng 5 năm qua. Thành công từ chủ trương thu hút đầu tư đã góp phần tạo nên kết quấ ản tượng đó.

 Kinh tế - xã hội phát triển khởi sắc

Năm 2017, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 12.465 tỷ đồng, đạt 107% so với kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 75.813,77 tỷ đồng, tăng 8,25%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của những năm gần đây và cao hơn mức bình quân chung cả nước (6,81%). Sản xuất công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp, thương mại và dịch vụ đều có bước tăng trưởng khá so với cùng kỳ; đem lại GRDP bình quân đầu người đạt 32,26 triệu đồng .

Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng cầu Hiếu 2 tại TX Thái Hòa, ngày 17.8.2017. Ảnh: PV

Bộ mặt đô thị có nhiều thay đổi. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 21 đô thị, đã từng bước phát triển văn minh, hiện đại. Kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã có 162 xã đạt 19/19 tiêu chí; trong năm có thêm 22 xã đạt 19/19 tiêu chí, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh là 184. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn, nhất là về giao thông.

Nghệ An tiếp tục là điểm đến hấp dẫn. Tổng lượng khách lưu trú đạt 3,9 triệu lượt, tăng 21%, trong đó có 80.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu du lịch cả năm 2017 đạt 5.890 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2016. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 83,5%; tỷ lệ làng, bản, khối phố văn hóa đạt 59%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% so với năm 2016. An sinh xã hội bảo đảm. Trong năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm  mới 37.590 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 13.810 người.

Về các giải pháp hỗ trợ DN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa trao đổi:

“UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35 và 19 của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN; tiếp tục thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân... Hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức giao ban, gặp gỡ các DN đóng trên địa bàn tỉnh để lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các DN hoạt động có hiệu quả. Chất lượng dịch vụ công ngày càng được nâng cao, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy DN phát triển”.

Động lực từ thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Năm 2017, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, hoạt động xúc tiến đầu tư có vai trò tạo động lực tăng trưởng về nhiều phương diện”.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 Nghệ An tăng 7 bậc, đứng thứ 25/63 tỉnh thành cả nước. Bên cạnh tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu Xuân, tỉnh đã phối hợp với nhà đầu tư tổ chức đi xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài. Trong năm, toàn tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT cho 172 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký: 14.846,21 tỷ đồng; điều chỉnh 15 lượt dự án, với tổng vốn điều chỉnh tăng 314,43 tỷ đồng.

Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh 15.229,03 tỷ đồng, vốn đăng ký đầu tư/1 dự án 96,38 tỷ đồng. Một số dự án lớn được cấp mới trong năm như: Dự án đầu tư KCN WHA Hemaraj (2.056 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF (1.754,14 tỷ đồng); Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (1.532 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất Container của Cty CP Tập đoàn TKV Group (549 tỷ đồng); Dự án xử lý rác thải Nghi Yên của Cty CP Jet Nhật Bản (600 tỷ đồng)…

Hầu hết các dự án đã được cấp phép đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Một số dự án thu hút đầu tư trong các năm trước có tiến độ triển khai khá nhanh như Dự án xi măng Sông Lam, Trang trại chăn nuôi lợn Masan, Vinpearl Cửa Hội, các dự án của Tập đoàn Mavin, Hoa Sen,...

Năm 2017 đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.542 DN (doanh nghiệp), tăng 17,05% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký 8.328,4 tỷ đồng, tăng 48,04%; tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 5,4 tỷ đồng, tăng 26,48% cùng kỳ; có 343 DN quay trở lại hoạt động kinh doanh.

Chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung mới trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ DN trong lĩnh vực đăng ký DN (phân công xử lý tự động; xử lý, ký trả kết quả ngay một số thủ tục...) nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN.

Kết quả thu hút đầu tư năm 2017 cho thấy cơ cấu ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng vào lĩnh vực dịch vụ (thương mại và du lịch), công nghiệp sản xuất, chế biến, một số dự án công nghệ cao. Đối với các dự án đầu tư nước ngoài đã cấp phép, lao động sử dụng tại các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 23.645 người. Riêng về thuế xuất nhập khẩu đóng góp cho ngân sách hơn 944 tỷ đồng.

Về mục tiêu thu hút đầu tư, ông Lê Tiến Trị - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh cho hay: Giai đoạn 2018-2020 đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Nghệ An xếp vị trí 15-20 cả nước. Năm 2018 thu hút đầu tư 130 dự án với số vốn đăng ký đạt tối thiểu 25.000 tỷ đồng, thu hút FDI với tổng mức vốn đăng ký khoảng 1.000 - 3.000 tỷ đồng. Vốn thực hiện ước đạt 15.000 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm mới cho 10.000 lao động; xuất khẩu 950 triệu USD; nhập khẩu 600 triệu USD. 

Dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Xuân Đinh Dậu 2017 tại Nghệ An ngày 19.2.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Người Nghệ An, đặc biệt giới trí thức, doanh nhân, kỹ sư, cử nhân giỏi đã quay về Nghệ An về quê hương để học tập, lao động, làm việc, đầu tư. Đây là hiện tượng đáng mừng, là điều kiện mới để Nghệ An phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn