MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh Quochoi.vn

Thu hút đầu tư PPP: Không có chính sách chia sẻ rủi ro sẽ khó tạo sức hút

Vương Trần LDO | 20/04/2020 14:13

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nếu không có chế định chia sẻ rủi ro thì khó tạo sức hút, tạo động lực, thu hút đầu tư.

Quy định về tổng mức đầu tư tối thiểu

Sáng 20.4, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). 

Báo cáo một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết:

Về quy mô đầu tư dự án PPP (khoản 3 Điều 5), dự thảo Luật xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách (ĐBQH) đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 5, nhưng không thấp hơn 200 tỉ đồng.

Đối với các dự án đầu tư tại vùng sâu, vùng xa chủ yếu thực hiện thông qua đầu tư công, vì nếu đầu tư qua phương thức PPP sẽ không bảo đảm nguồn thu để duy trì việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công, cũng như khó thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước.

Phương án 2: Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỉ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế... hoặc theo địa bàn như đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa.

Quy định này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn khó khăn, có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu.

Tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đa số ý kiến nhất trí phương án 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh Quochoi.vn

Cần có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu nêu ý kiến tại phiên họp đó là cơ chế chia sẻ rủi ro, chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo hình thức đầu tư này.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự luật nếu không có chế định chia sẻ rủi ro thì khó tạo sức hút, tạo động lực của luật này.

"Ý kiến chuyên gia cho thấy, kinh nghiệm quốc tế đều có sự chia sẻ trong PPP. Tăng thu chia sẻ 50%-50% thì hụt thu, thất thu do lỗi khách quan và chủ quan của Nhà nước (như điều chỉnh quy hoạch, chính sách làm ảnh hưởng) cũng cần theo tinh thần chia sẻ như nhau" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Còn Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị làm rõ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, việc điều chỉnh tăng vốn nhà nước lên mà không tăng vốn tư nhân lên thì cũng cần phải cân nhắc.

"Tỷ lệ này nếu tăng thì phải cùng tăng, không nên quy định quá nguyên tắc sẽ khó khả thi. Đồng thời cũng cần làm rõ vấn đề những dự án thuộc lĩnh vực Quốc phòng sẽ chỉ định thầu, như vậy có hợp lý trong dự Luật này không?"- Tổng Thư ký Quốc hội đặt vấn đề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn