MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất loa cho các thương hiệu hàng đầu thế giới tại nhà máy của Công ty Tonly Việt Nam, KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương

Thu hút FDI ở Quảng Ninh: Chờ hái quả ngọt

Nguyễn Hùng LDO | 10/03/2022 16:58

Quảng Ninh - Một số nhà đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Quảng Ninh đang nỗ lực để có những sản phẩm đầu tiên cung cấp cho thị trường muộn nhất là giữa năm nay. Trong khi một số nhà đầu tư FDI khác đang làm thủ tục để mở rộng sản xuất.

Tuyển gấp 2.000 lao động

Khởi công xây dựng ngày 4.1.2021, nhà máy may mặc có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng tại phường Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (Trung Quốc) vừa bắt đầu thông báo tuyến dụng cùng một lúc 2.000 lao động.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả – theo báo cáo của công ty thì nhà máy vừa hoạt động vừa tuyển công nhân.

“Với mức lương tạm ổn, cùng các chế độ rất tốt, chủ đầu tư có năng lực, bài bản thì việc tuyển dụng sẽ không khó” – ông Cường cho biết.

Dự án nhà máy may có vốn khoảng 1.000 tỉ đồng được khởi công xây dựng ngày 4.1.2021 tại TP.Cẩm Phả. Ảnh: CTV

Trở thành công nhân của công ty, người lao động sẽ được hưởng mức lương từ 6,5-10 triệu đồng/người/tháng, cùng với nhiều chế độ phúc lợi, trong đó có trợ cấp giao thông, nhà ở, phụ cấp con nhỏ đối với lao động có con nhỏ dưới 6 tuổi, nghỉ chủ nhật, không làm ca đêm…

Là một trong những tập đoàn may mặc hàng đầu thế giới, sự xuất hiện của nhà máy trên tại Cẩm Phả, với những sản phẩm may mặc chất lượng cao, sẽ không chỉ được kỳ vọng đóng góp vào thu ngân sách, mà quan trọng hơn là giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động nữ.

Được biết, khi hoạt động hết công suất, nhà máy này cần tới từ 4.500 – 5.000 công nhân, trong đó chủ yếu là nữ và làm ra khoảng 11 triệu sản phẩm/năm.

Với lực lượng lao động nữ đông đảo như vậy, cũng kỳ vọng kỳ vọng sẽ giúp các thợ mỏ đơn thân, xa quê tìm được một nửa của mình, hoặc đưa vợ/người yêu từ quê ra làm việc ở Cẩm Phả, để yên tâm gắn bó lâu dài với nghề.

Tập đoàn may mặc Hoa Lợi Đạt đã đầu tư vào Việt Nam và thành lập Công ty TNHH May Mặc Hoa Lợi Đạt (Việt Nam) tại KCN Texhong Hải Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh từ năm 2016.

Hiện, công ty này đang xin giấy phép mở thêm một nhà máy nữa ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, với quy mô nhỏ hơn nhà máy ở Cẩm Phả.

Nỗ lực của nhà đầu tư 865,6 triệu USD

Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (Hồng Kông, Trung Quốc) có 2 dự án liên quan đến sản xuất tấm quang năng quy mô lớn tại Việt Nam đều được cấp giấy phép năm 2021. Tổng số vốn của 2 dự án này, gồm Dự án công nghệ tế bào quang điện và Dự án công nghệ tấm silic, đặt tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, là 865,6 triệu USD.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trò chuyện với công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam trong lễ ra mắt sản phẩm đầu tiên của Dự án công nghệ tấm silic. Ảnh: Minh Hà

Lúc đầu, công ty chỉ có ý định thực hiện Dự án công nghệ tế bào quang điện, còn Dự án công nghệ tấm silic – nơi sản xuất nguyên liệu đầu vào cho Dự án công nghệ tế bào quang điện để sản xuất sản phẩm cuối cùng là tấm quang năng thì chưa có kế hoạch đặt tại Quảng Ninh.

Tuy nhiên, sau khi được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thuyết phục, công ty đã quyết định đầu tư Dự án công nghệ tấm silic bên cạnh. Ngày 10.1.2022, công ty đã tổ chức lễ khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của Dự án công nghệ tấm silic.

Theo kế hoạch, sản phẩm tấm quang năng sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung Kiên – Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh – nhà đầu tư đang tính toán để đầu tư thêm bởi tín hiệu thị trường thế giới đang có nhiều thay đổi về nhu cầu.

Trong khi đó, Công Ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam (100% vốn nước ngoài), tại KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên cũng đang làm hồ sơ xin xây dựng thêm một nhà máy bên cạnh nhà máy hiện tại, với tổng số vốn đầu tư thêm khoảng 25 triệu USD.

Công ty TNHH kỹ thuật điện tử TONLY Việt Nam là công ty con của tập đoàn TCL - một trong những tập đoàn sản xuất đồ điện tử tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc. Công ty hiện đang có một nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 20 triệu USD tại KCN Đông Mai, chuyên sản xuất loa và tai nghe, với quy mô mỗi năm cung cấp cho thị trường 5,8 triệu loa và 2,8 triệu tai nghe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn