MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập của người lao động nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 9,1% do ảnh hưởng của COVID-19. Ảnh: Khánh Vũ

Thu nhập của lao động ngành nào bị giảm nhiều nhất do COVID-19?

Long Vũ LDO | 10/07/2020 15:22

Mặc dù từ tháng 4.2020, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được khống chế, cả nước nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng ảnh hưởng của COVID-19 vẫn tác động lên nhiều mặt kinh tế, xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý 2.2020 giảm đáng kể, đặc biệt là nhóm ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí.

Bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê), cho biết: Thu nhập bình quân tháng của lao động quý 2.2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý 2 giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%). Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của lao động quý 2.2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng tới 16,6%” – bà Nguyễn Thu Oanh thông tin thêm.

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động quý 2.2020 khu vực dịch vụ giảm 7,3%, giảm mạnh nhất trong ba khu vực kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,1%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%. 

Trong số 21 ngành kinh tế, các ngành có thu nhập bình quân tháng của lao động quý 2.2020 giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước là nhóm ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí (giảm 19,2%); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18,3%); ngành vận tải kho bãi (giảm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác (giảm 9,1%).

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động là chủ cơ sở có mức giảm cao nhất, giảm 17,3%; lao động tự làm giảm 7,6%; lao động làm công hưởng lương giảm 2,8 %.

Trình độ càng  cao, mức giảm thu nhập càng thấp

Thu nhập bình quân tháng của lao động có trình độ càng cao, mức giảm thu nhập càng thấp.

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động có trình độ từ đại học trở lên tăng 0,5% trong khi thu nhập của lao động có trình độ sơ cấp giảm nhiều nhất (giảm 8,3%); lao động có trình độ trung cấp giảm 7,2%; lao động có trình độ cao đẳng giảm 3,3%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn