MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thu nhập khủng từ kiếm tiền online

Cường Ngô LDO | 16/03/2023 06:17
Kiếm tiền online trở thành một nghề “hot” trên thế giới và ở Việt Nam. Nhiều bạn trẻ có thể kiếm từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng mỗi năm, nhưng để làm được điều này đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm.  

MMO hay bất cứ thứ gì kiếm ra tiền đều không dễ dàng

Chỉ trong 14 ngày, doanh thu kinh doanh online của Nguyễn Lê Trang (Hà Nội) là 64 triệu đồng. Trang đã bán hơn 300 sản phẩm, hoa hồng từ 10-20% mỗi sản phẩm. Trang kiếm được hơn 7 triệu đồng/2 tuần. Với một “tay mơ” như Trang, vừa rẽ ngang sang công việc MMO (kiếm tiền online) thì đây là số tiền không nhỏ.

Công việc của Trang là reup (tập hợp các video của người khác đã từng đăng tải trước đó lên kênh của mình thay vì tự đầu tư và sản xuất-PV) các video giải trí của giới trẻ Thái Lan về kênh mình. Sau đó cắt ghép, chỉnh sửa sao cho bắt mắt, hợp xu hướng giới trẻ Việt. Trang bán hàng bằng việc gắn sản phẩm vào video viral (tính lan toả).

“Tôi không phải đang khoe khoang, mà muốn mọi người biết rằng, một số nền tảng mạng xã hội như: Tiktok, YouTube… hiện vẫn là “mỏ vàng” để kiếm tiền. Làm MMO không mất vốn, chi phí kinh doanh, mặt bằng như kinh doanh truyền thống, vẫn có thể đạt thu nhập cao” - Trang nói.

Tuy nhiên, Trang cho rằng, để có được những video ấn tượng, bắt trend, Trang phải đầu tư chất xám, sáng tạo ra những video hợp xu hướng với thị hiếu giới trẻ Việt. Như vậy, mới có nhiều người dùng tiếp cận video và mua sản phẩm.

“Kiếm tiền là việc không dễ dàng. Để có được thành quả, bạn phải có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm” - Trang nói.

Nhiều bạn trẻ có thể kiếm được tiền thông qua mô hình POD. Ảnh: Cường Ngô

Ngành này không còn dễ nữa

Không chỉ bán sản phẩm, nhận hoa hồng thông qua việc sáng tạo các video, nhiều bạn trẻ hiện nay cũng kiếm tiền bằng mô hình POD. Đây là hình thức kinh doanh các sản phẩm in ấn trên sàn thương mại điện tử nước ngoài như: Amazon, Etsy, Ebay, Teepublic... Mô hình này cho phép người bán hàng (các seller) tự đăng tải các mẫu ý tưởng lên các nền tảng thương mại điện tử và tự marketing đến khách hàng. Người bán có thể quảng cáo qua Facebook Ads, Google Ads, SEO hay Pinterest.

Trao đổi với Lao Động, Minh - người bán hàng theo mô hình POD ở Hà Nội - cho biết, bán hàng POD, nghĩa là có đơn hàng thì người bán mới in và gửi sản phẩm cho khách. Sản phẩm có thể là những hình ảnh, sản phẩm thể hiện sở thích của người mua như hình về ca sĩ, bài hát, đội bóng...

“POD khác với bán hàng truyền thống là người bán không cần chuẩn bị hàng trước, mà có thể photoshop hình ảnh, hàng hoá, sản phẩm nào khách thích thì người bán sẽ sản xuất và in ấn” - Minh nói.

Theo Minh, mô hình bán hàng POD thường seller đăng sản phẩm lên một website, có thể tự tạo qua nền tảng shopify/woocommerce; hoặc đăng sản phẩm lên website của bên chuyên sản xuất và in sản phẩm. Nếu làm từ website của các bên sản xuất, thì khi có đơn hàng, bên sản xuất tự mã hoá, tổng hợp thông tin đơn hàng, rồi sản xuất, gửi sản phẩm cho khách hàng.

Còn nếu làm từ website của mình, khi có đơn hàng, người bán hàng sẽ gửi thông tin đơn hàng, bao gồm loại sản phẩm, hình ảnh, thông tin vận chuyển cho một bên sản xuất và họ sẽ sản xuất và gửi sản phẩm đi.

Nói về thị trường, Minh cho rằng, trước năm 2020, thị trường POD phát triển tốt, người bán hàng nhỏ vẫn có doanh thu đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Với các nhà bán hàng tầm trung, có thể thuê người làm cùng, doanh thu có thể lên tới vài tỉ đồng/năm. Với những “ông lớn”, “tay to” trong làng POP, doanh thu có thể vài chục tỉ đồng mỗi năm.

Minh cho rằng, với những người bán hàng có ít kinh nghiệm, kiến thức vẫn có thể được nhờ quảng cáo trên Facebook tốt. Tuy nhiên, sau 2020, quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook cập nhật chính sách theo hệ điều hành IOS và thêm nhiều hạn chế từ các yếu tố địa chính trị, nên các nền tảng quảng cáo đó kém đi. Nhiều người chuyển qua các kênh tiếp cận khách hàng khác, song, chỉ có số ít thành công.

Bên cạnh đó, người bán hàng cũng gặp khó với các chính sách bán hàng của các sàn thương mại điện tử. Phần hoa hồng trả lại cho các sàn khá cao. “Ngành này không còn dễ nữa, nhiều người cũng rời bỏ ngành” - Minh khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn