MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diêm dân sản xuất muối trên cánh đồng muối thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn

Thu nhập thấp, diêm dân Hà Tĩnh “nhạt” dần nghề muối

TRẦN TUẤN LDO | 23/08/2023 12:44

Ghi nhận của phóng viên Lao Động tại Hà Tĩnh, bạt ngàn đồng muối đang bỏ hoang, một số nơi đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ.

Đồng muối bỏ hoang

Bà Nguyễn Thị Châu (53 tuổi, trú tại thôn 6, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) - một trong ít hộ còn lại ở xã Đỉnh Bàn đang đeo bám nghề làm muối truyền thống của địa phương trên cánh đồng muối bạt ngàn phần lớn đã bỏ hoang - chia sẻ, nghề muối vất vả, hàng ngày phải phơi mình giữa nắng nóng nhưng thu nhập thấp nên nhiều diêm dân ở đây đã bỏ nghề.

“Mỗi ngày tôi làm được khoảng 2 tạ muối, bán được 400.000 đồng. Với mức này cũng tương đương người đi phụ hồ hoặc làm thuê, làm mướn ở thành phố nhưng làm muối vất vả hơn, phải dầm mình cả ngày giữa nắng nóng, nếu sức khỏe yếu khó mà trụ được” - bà Châu chia sẻ.

Ông Trần Văn Phượng (58 tuổi, trú thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn) cũng than phiền nghề làm muối vất vả quá mà thu nhập thấp, nên đã ở cái tuổi này, ông chẳng muốn theo nghề nữa.

Ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn - cho hay, hiện diện tích đất muối của xã làm 49ha nhưng chỉ có 28 hộ đang sản xuất muối với diện tích 38 sào (gần 2ha), còn phần lớn đang bỏ hoang.

Ông Tùng tính toán, mỗi sào muối một ngày cho khoảng 2 tạ muối, bán giá 250.000 đồng/tạ thu được 500.000 đồng. Một vụ muối vào hè thường cho khoảng gần 100 ngày nắng để sản xuất muối.

Ông Trương Bá Khanh - Chủ tịch UBND xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) - cho biết, toàn xã Hộ Độ hiện chỉ có 2,5ha đất ruộng muối đang được người dân duy trì sản xuất muối trong tổng số 30ha đất làm muối. Hiện phần lớn đất ruộng muối của xã đang bỏ hoang.

Cũng theo ông Khanh, có thời kỳ cao điểm, toàn xã Hộ Độ có đến 120ha sản xuất muối. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề muối vất vả mà thu nhập bấp bênh, đầu ra khó khăn nên nhiều người dân bỏ nghề đi làm thuê, làm mướn, làm công nhân, làm thợ xây và đi xuất khẩu lao động.

Do đó, này xã Hộ Độ chỉ quy hoạch 30ha làm muối, còn lại quy hoạch nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi một phần sang đất kinh doanh thương mại dịch vụ.

Nhiều giải pháp để “cứu” nghề muối

Ngày 22.8, một lãnh đạo Chi cục Phát triển Nông thôn thuộc Sở NNPTNT Hà Tĩnh - cho hay, sau khi có Quyết định số 1325 ngày 31.8.2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 tại văn bản số 458 ngày 23.11.2022. Tổ chức cho diêm dân trao đổi học hỏi kinh nghiệm, các mô hình sản xuất muối trên địa bàn và các tỉnh bạn.

Vị lãnh đạo Chi cục PTNT Hà Tĩnh chia sẻ, năm 2022 toàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ sản xuất 40,6ha chủ yếu ở xã Thạch Châu, xã Hộ Độ huyện Lộc Hà; xã Đỉnh Bàn huyện Thạch Hà; xã Cẩm Nhượng, thị trấn Thiên Cầm huyện Cẩm Xuyên và xã Kỳ Hà thị xã Kỳ Anh. Sản lượng 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.700 tấn.

Trong khi đó, diện tích theo quy hoạch sử dụng đất của các địa phương có sản xuất muối (Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà và thị xã Kỳ Anh) đến năm 2030 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt là 173,6ha.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục rà soát diện tích đất sản xuất muối, quy hoạch các đồng muối, hệ thống kho chứa muối, những vùng đất làm muối có năng suất, chất lượng cao phải được bảo vệ và ưu tiên cho việc sản xuất muối.

Đồng thời xây dựng đề án chuyển đổi những đồng muối không có hiệu quả và khả năng cạnh tranh thấp sang phát triển ngành nghề khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, nghề muối tại Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn như thời gian sản xuất muối trong năm ngắn, mỗi vụ khoảng 3-4 tháng. Thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh, thu nhập từ 60.000-80.000 đồng/người/ngày, không đủ ăn phải làm thêm nhiều nghề khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn