MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân bất lực với tình trạng tôm chết quá nhiều. Ảnh: P.V

Thủ phủ nuôi tôm hùm điêu đứng

NHIỆT BĂNG LDO | 29/05/2017 14:40
“Thủ phủ” nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) thiệt hại nặng nề. Hàng trăm nghìn con tôm chết, kéo theo “núi” tiền nợ ngân hàng dân vay không biết lấy đâu để trả.

Ngày 28.5, thống kê nhanh của ngành chức năng cho thấy, tính đến hiện tại số lượng tôm hùm nuôi bị chết là 523.970 con. Tại xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), tổng số lồng nuôi 7.150 lồng/631 hộ với tỉ lệ 60% tôm bông và 40% tôm xanh. Tại phường Xuân Yên, tổng số lồng nuôi 3.200 lồng tôm ương và 2.950 lồng tôm thịt với 315 hộ nuôi; trong đó tôm xanh chiếm 70%, tôm bông chiếm 30%. Thực trạng này khiến người dân điêu đứng.

Theo ghi nhận của những người nuôi tôm hùm nuôi tại khu vực này, trước ngày 15.5, tại đây bắt đầu xuất hiện một số loài cá tự nhiên, cua, ghẹ sống ở tầng đáy bị chết bất thường, nổi trên mặt nước biển. Ông Tô Văn Anh (trú thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh) thốt lên: “Dân phải bán đổ bán tháo lượng tôm chết với giá rẻ bèo, vớt vát được đồng nào hay đồng đó”. Nhiều hộ phải vay ngân hàng với số tiền lớn để nuôi tôm, đối mặt với muôn vàn khó khăn. “Chúng tôi rất cần các cấp, các ngành hỗ trợ lại giống” - ông Anh cho hay.

Theo cơ quan chức năng, hiện tượng tôm chết xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, đột ngột, thời điểm chết xảy ra vào ban đêm (thời điểm hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp nhất), cùng một thời điểm có nhiều loài thủy sản bị chết (tôm hùm, cá); các loài thủy sản tự nhiên, sống ở tầng đáy của thủy vực (khu vực có hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp nhất) bị chết; thời điểm xảy ra hiện tượng tôm, cá chết, vùng nước khu vực này chuyển sang màu đỏ; tôm, cá chết không có biểu hiện bất thường, đa phần không có các dấu hiệu bệnh lý.

Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy thành phần tảo giáp chiếm ưu thế, mật độ tế bào tảo rất cao, tế bào tảo tương đối lớn có khả năng sắp tàn; chỉ tiêu NH3, PO4 vượt ngưỡng cho phép, chỉ tiêu oxy hòa tan trong nước quá thấp. Kết quả phân tích mẫu bệnh cho thấy tôm bị nhiễm bệnh sữa.

Sở NNPTNT nhận định ban đầu nguyên nhân tôm hùm chết do mật độ nuôi quá dày cả về số lượng lồng nuôi và số con/lồng nuôi (cụ thể tại thời điểm kiểm tra là 150 - 300 con/lồng nuôi đối với tôm hùm xanh và 70 - 75 con/lồng đối với tôm hùm bông), thức ăn dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ, gây ô nhiễm nguồn nước.

Đề xuất hỗ trợ

Sở NNPTNT đề nghị chính quyền địa phương thống kê hộ nuôi bị thiệt hại để đề xuất giúp người nuôi ổn định sản xuất. Thị xã Sông Cầu có biện pháp quản lý các vùng nuôi đúng theo quy hoạch đã phê duyệt, không để tình trạng phát triển tràn lan, không theo quy hoạch, vận động người nuôi vớt thủy sản chết đem vào bờ xử lý hoặc bán, giám sát việc tiêu hủy tôm bệnh.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn