MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ phủ thời trang Hà Nội tấp nập nhờ sàn thương mại điện tử

Phạm Hồng - Thu Huyền LDO | 19/04/2023 15:40
Việc kinh doanh, buôn bán trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội phát triển cũng khiến cho khu chợ đầu mối thời trang Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) tấp nập trở lại sau dịch COVID-19.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, chợ Ninh Hiệp là một trong những chợ đầu mối lớn nhất ở miền Bắc, chuyên buôn bán những mặt hàng quần áo, thời trang với giá rẻ. Nhiều người dân, hộ kinh doanh quần áo thời trang, phụ kiện online trên các sàn thương mại điện tử cũng thường xuyên tới khu chợ này để trao đổi, nhập hàng hóa.

Khu chợ đầu mối thời trang Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) tấp nập trở lại sau dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Hồng

Trái ngược với cảnh tượng nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang trên tuyến phố trung tâm Hà Nội đang rất ảm đạm, chị M.T (buôn bán sỉ lẻ quần áo tại chợ Ninh Hiệp) chia sẻ, khách hàng của chị đa số đều là khách mua bán sỉ lẻ quần áo online với số lượng lớn. Tuy vừa mới mở cửa nhưng gian hàng của chị M.T cũng đã có nhiều khách đến nhập số lượng hàng lớn.

Cửa hàng kinh doanh, buôn bán thời trang tại chợ Ninh Hiệp tấp nập người ra vào. Ảnh: Phạm Hồng

Đang chọn lựa quần áo tại chợ Ninh Hiệp, chị Minh (quê ở Bắc Giang) cho biết, do công việc buôn bán quần áo online trên sàn thương mại điện tử nên chị thường xuyên đến đây lấy hàng.

Nhiều tiểu thương buôn bán quần áo online trên sàn thương mại điện tử đã đến chợ lấy hàng từ rất sớm. Ảnh: Phạm Hồng

Theo chị Minh, dù người dân có xu hướng thắt chặt tiêu dùng nhưng những mặt hàng quần áo thời trang giá rẻ vẫn được ưa chuộng. Việc các sàn thương mại phát triển, nở rộ những năm gần đây cũng giúp chị bán được nhiều hàng hóa hơn.

Nhờ mua bán online nở rộ, những mặt hàng quần áo thời trang giá rẻ đang được ưa chuộng. Ảnh: Phạm Hồng 

Đi chợ từ sớm để khỏi phải chen lấn, chị Huyền (tiểu thương buôn bán quần áo ở tỉnh Hưng Yên) tâm sự, thời gian gần đây việc kinh doanh quần áo trên các nền tảng mạng xã hội, Tik Tok shop phát triển nên chị đã có lượng khách hàng ổn định nên cần nhập nguồn hàng lớn.

Tiểu thương đi chợ nhập hàng từ sớm để khỏi phải chen lấn. Ảnh: Phạm Hồng 

Theo chị Huyền, do đợt này chợ nhộn nhịp người mua hơn nên tiểu thương đến đây cũng ít trả giá, chỉ cần xem mẫu nào ổn là sẽ chốt với số lượng lớn.

Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) mới đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn kinh doanh trên mạng xã hội như TikTok Shop, Shopee, Lazada...

Tiểu thương ở Hưng Yên nhập hàng với số lượng lớn để kinh doanh quần áo trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Phạm Hồng 

Đáng chú ý, về hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, khảo sát của Vecom cho thấy, có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội.

Số lao động tại các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ, ứng dụng như Zalo, Whatsapp, Viber, Facebook Messenger cũng liên tục tăng qua các năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn