MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu phản ánh của Báo Lao Động

Cường Ngô LDO | 03/08/2020 16:10
Về thông tin Báo Lao động phản ánh biện pháp thu hút tham gia của tư nhân vào phát triển năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chuyển Bộ Công Thương nghiên cứu.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số Công văn số 6285/VPCP-CN gửi Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu thông tin Báo Lao Động phản ảnh về nhiệt điện than và biện pháp thu hút tham gia của tư nhân vào phát triển năng lượng.

Công văn nêu rõ, Báo Lao Động ngày 22.7.2020 phản ánh nội dung: Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là "đòn bẩy" để doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực vào phát triển năng lượng.

  Bài báo Lao Động ngày 22.7.2020.

Tuy nhiên, có "đòn bẩy" là chưa đủ, phải có "điểm bẩy". "Điểm bẩy" ở đây chính là Chính phủ, các bộ, ngành có hành lang pháp lý, các điều kiện cần và đủ để tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng.

Về thông tin này, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chuyển Bộ Công Thương nghiên cứu.

Như Lao Động phản ánh, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia được coi là "nét đột phá", "xác định được chính xác vấn đề của năng lượng Việt Nam hiện nay và đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, đem đến niềm hy vọng cho các nhà đầu tư vào ngành năng lượng.

Để từ "hy vọng đi đến niềm vui", doanh nghiệp tham gia lĩnh vực năng lượng kỳ vọng vào hành lang pháp lý, các điều kiện cần và đủ từ Chính phủ, bộ ngành. 

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực truyền tải điện cho biết, với Nghị quyết 55, có 2 vấn đề doanh nghiệp tư nhân rất quan tâm, đó là việc khuyến khích tất cả thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng; đồng thời tháo bỏ rào cản, độc quyền truyền tải. 

Tương tự, ông Nguyễn Sỹ Chương – Chủ tịch HĐQT Chân Mây LNG cho biết, nếu không có Nghị quyết 55, chưa chắc doanh nghiệp của ông đã mạnh dạn đầu tư vào Chân Mây. Vì nguồn lực trong nước không đủ, cần sự hợp tác về nguồn lực tài chính, công nghệ, điều hành, cũng như cung cấp khí hàng đầu trên thế giới. 

Đó là lý do doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành sớm cải thiện về mặt cơ chế, thể chế, tạo điều kiện thuận lợi thực tiễn cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng đại diện tập đoàn B.Grimm Power 2 tại Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TTP Phú Yên cho hay, việc phát triển đa dạng các loại năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện mặt trời áp mái, điện gió... sẽ góp phần tạo sự phát triển bền vững, ổn định nguồn cung.

"Trước đây, chúng ta xuất khẩu nguyên nhiên liệu cho phát điện, nhưng hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu nguyên nhiên liệu cho phát triển năng lượng. Chính vì vậy, nếu không tạo được cơ chế cho doanh nghiệp tư nhân, bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng gặp khó khi triển khai các dự án của mình", ông Tuấn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn