MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành chế biến khẩu khẩu gỗ và lâm sản phấn đấu đạt 20 tỉ vào năm 2025. Ảnh: Kh.V

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Ngành gỗ hướng tới mốc 20 tỉ USD

Khánh Vũ LDO | 22/02/2019 14:19
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Kim ngạch 11 tỉ USD mà ngành lâm nghiệp đang hướng tới "chưa có gì đáng thỏa mãn". Đến năm 2025, ngành lâm nghiệp cần đạt kim ngạch xuất khẩu từ 18-20 tỉ USD.

Sáng 22.2, phát biểu tại  Diễn đàn: “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 -  Thành công và bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá năm 2019” có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc,  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh:

Chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả lớn. Đến nay nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước đáp ứng phần lớn nguyên liệu chế biến gỗ, giảm mạnh tỉ trọng nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Năm 2018, sản lượng gỗ khai thác nội địa 28,45 triệu m3, tăng 6% so với năm 2017. Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Toàn cảnh diễn đàn.

Tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA), chính sách thuế xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định đã và đang được cắt giảm hoặc xóa bỏ, như hiệp định thương mại giữa Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam- Nhật Bản; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã, đang và sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như: Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí phong cách cổ điển.

Tuy nhiên, hiện thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới lớn với khoảng 430 tỉ USD, giá trị thương mại đồ nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỉ USD. Nhưng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỉ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt trên 7 tỉ USD.

Điều này cho thấy năng lực của các DN cần được đẩy mạnh thêm và dư địa của ngành gỗ vẫn còn rất lớn bởi nhu cầu thị trường thế giới tăng cao. Người tiêu dùng chuộng lối sống “xanh” với gỗ rừng trồng, giảm bớt sử dụng ximăng, sắt, thép, nhà kính… để bảo vệ môi trường.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực và toàn cầu; sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất.

“Trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong  những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới. Phấn đấu kim  ngạch XK gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỉ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỉ USD; đến năm 2025 đạt 18-20 tỉ USD”-Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2018, các thị trường chiếm thị phần xuất khẩu lớn của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ 3,98 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2017, chiếm 42,5%; Nhật Bản 1,21 tỉ USD, tăng 12,7% so với năm 2017; Trung Quốc 1,09 tỉ USD, giảm 0,36% so với năm 2017; Hàn Quốc 0,96 tỉ USD, tăng 41,5% so với năm 2017; EU 0,9 tỉ USD, tăng 5,28% so với năm 2017.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn